(Mặt trận) -Nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng DTTS.
Chuyển biến khá toàn diện
Ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất Chương trình MTQG 1719. Nhất là các chương trình, chính sách, dự án trong vùng đồng bào DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá tốt; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động, hiệu quả, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã nâng cao cuộc sống vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm 3,05%, tương đương giảm 764 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm 2,13%, tương đương 514 hộ.
|
Phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS huyện Hàm Thuận Bắc. |
Cùng với đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và toàn diện; các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác chăm sóc sức khỏe luôn được quan tâm, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, nhất là của đồng bào Chăm được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Đồng bào luôn tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước các kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Bên cạnh những thuận lợi, ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là địa bàn cư trú của đồng bào DTTS phân tán rộng, hơn 50% hộ đồng bào DTTS sinh sống ở miền núi, xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, chưa thật sự nỗ lực vươn lên trong sản xuất, cải thiện đời sống. Mặt khác, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; mức độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm, chưa đồng đều...
Để nâng cao đời sống đồng bào DTTS, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh Tân cho biết: Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào từ những năm trước; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; tạo điều kiện duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên; thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm. Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, thực hiện tốt mục tiêu về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, mục tiêu về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch... Làm tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò tích cực của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là các chính sách dân tộc gắn với nâng cao ý thức cảnh giác của đồng bào trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc với tổng dân số 1.258.788 khẩu/337.403 hộ; trong đó, có 34 dân tộc thiểu số, chiếm 8,4% dân số của tỉnh. Trong đó, có 31 xã/124 xã, phường, thị trấn và 83 thôn/691 thôn, khu phố thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc thì Bình Thuận còn 10 thôn đặc biệt khó khăn, 3 xã khu vực III, 3 xã khu vực II (đầu năm 2024 có 1 xã đã về đích nông thôn mới xã Đông Tiến) và 25 xã, thị trấn khu vực I.
T.T – T.L