Phú Thọ: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản

(Mặt trận) -Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 600 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại các huyện miền núi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Già làng, trưởng bản - Cầu nối giữa chính quyền và nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Anh (dân tộc Mường, ở khu 19-5, thị trấn Thanh Sơn) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Thanh Sơn. 70 năm tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, trải qua rất nhiều cương vị công tác, ở vị trí nào, ông cũng được nhân dân tin yêu... Năm 2010, ông về nghỉ hưu sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phú Thọ.

Về địa phương được “dân tín, dân yêu”, ông được bầu là Bí thư Chi bộ khu 19-5 và liên tục được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc nào có hại cho dân thì hết sức tránh”, ông đã cùng Ban chi ủy, cán bộ, đảng viên trong khu vận động bà con góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt hệ thống loa truyền thanh trong khu để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Cùng với đó, ông và gia đình luôn gương mẫu đi đầu, vận động đồng bào hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn dân cư.

Cũng như ông Anh, ông Dương Đức Thọ, người có uy tín tiêu biểu tại bản đồng bào dân tộc Dao, khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập luôn được bà con quý mến, tôn trọng. Suốt những năm qua, không chỉ nêu gương trong trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế gia đình, ông đã cùng với lực lượng Công an xã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền về đường lối, chính sách, pháp luật...

Trao đổi về vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Hà Văn Thịnh, Trưởng phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để tập trung, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là một lực lượng quan trọng và nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để phát huy vai trò của những người có uy tín, hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương bình chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS; quan tâm thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương cho người có uy tín. Trong các năm 2016 và 2017, toàn tỉnh có 53 người có uy tín tiêu biểu tham dự “Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc” và “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS”.

Những đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần làm thay đổi đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Phú Thọ được cải thiện và nâng lên đáng kể

TRUNG KIÊN