(Mặt trận) -Để củng cố tổ chức hội và nâng cao tỷ lệ hội viên, hội LHPN ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động hỗ trợ chị em có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó có nhiều phụ nữ dân tộc Khmer vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, tự tin ngoài xã hội.
Một trong những phụ nữ dân tộc Khmer đã vươn lên bằng sự cần cù, đam mê, sáng tạo là chị Từ Thị Hồng Nhung, ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Chị cho biết gia đình mình có truyền thống nghề làm bánh, ngay từ nhỏ chị đã rất thích làm bánh, mỗi khi rảnh là tranh thủ vào phụ mẹ vừa đỡ đần, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm. Nối nghiệp gia đình, chị luôn suy nghĩ, tìm tòi để tạo ra công thức bánh ngon và mong muốn đưa thương hiệu đi xa hơn. Chị cho biết, bước tiến trong công việc là khi tham gia vào Hội LHPN xã, được hỗ trợ nhiều thứ, trong đó có vốn khởi sự kinh doanh, được tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào nghề. Đây là điều mà chị tâm đắc nhất khi tham gia vào hội, bởi tổ chức đoàn thể này luôn gần gũi, hiểu được khó khăn của phụ nữ nông thôn nên xây dựng nhiều mô hình hay; nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, tạo sân chơi bổ ích cho chị em tham gia.
|
Chị Từ Thị Hồng Nhung, ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) với thương hiệu bánh, mứt Hồng Nhung ngày càng vươn xa (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). |
Từ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc sản xuất các món bánh, mứt truyền thống với hương vị thơm ngon, mang nét đặc trưng riêng của gia đình như: bánh hột gà, bánh hột đậu, mứt me, mứt đu đủ… Trước đây, sản phẩm làm ra chỉ bán cho bà con ở xung quanh, hay khách vãng lai mỗi dịp lễ, tết. Từ khi được hội LHPN hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và tham gia các buổi kết nối kinh doanh để phát triển thương hiệu, đến nay các loại bánh, mứt mang tên chị không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyện Trần Đề mà còn vươn xa ra các huyện, thị lân cận và ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với thương hiệu được đăng ký, đóng gói đẹp, chất lượng tốt. Đồng thời, cơ sở làm bánh này đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 chị em phụ nữ ở địa phương.
Hay tại ấp Tà Lọt C, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), nơi đây có hợp tác xã chăn nuôi bò do cán bộ hội phụ nữ làm giám đốc, được thành lập từ Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” của tổ chức Heifer. Trong quá trình tham gia dự án, các thành viên trong tổ đã được tham gia nhiều lớp tập huấn như: kỹ thuật chăm sóc bò, kỹ thuật ủ rơm, quản lý kinh tế hộ… Để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, các chị em chăn nuôi trong hợp tác xã mạnh dạn thay đổi dần sang những con bò có chất lượng hơn, như bò Pháp kem, bò ba bê, vì những giống bò này phù hợp với vùng đất của địa phương, giá thành ổn định, từ đó đem lại hiệu quả trong phát triển chăn nuôi. Các thành viên tận dụng đất trống để trồng cỏ, tích lũy rơm để dự trữ thức ăn, chủ động tiêm ngừa phòng, chống dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm. Khi chị em phụ nữ tham gia hợp tác xã này, họ đã tự tin, khẳng định mình cũng có thể tạo nên kinh tế.
Chị Lâm Bé Ngoan, một trong những hội viên được thoát nghèo khi được vận động đồng hành cùng hợp tác xã vui mừng “khoe” ngôi nhà mới từ thành quả lao động. Chị cho biết vợ chồng chị không có đất sản xuất, đi làm thuê quanh năm, phương án rời quê đi làm ăn xa cũng được hai vợ chồng nghĩ đến nhưng vướng bận con cái nên phải bám trụ lại nhà. Được hỗ trợ bò, hai vợ chồng chị cần mẫn chăm sóc lấy công làm lời, mọi thứ thuận lợi, đàn bò ngày càng phát triển, gia đình thoát nghèo và xây được căn nhà khang trang.
Có thể thấy thời gian qua, các cấp hội luôn chủ động phối hợp với các ngành khai thác nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện nhằm hỗ trợ vốn vay cho các chị em phụ nữ, từng bước giúp chị em phát huy phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
P.L