Phát huy vai trò những điển hình tiên tiến thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo tỉnh Thanh Hóa

(Mặt trận) -Trong ba năm qua (2018-2020), các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo tỉnh Thanh Hóa đã và đang được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả các phong trào thi đua và những cách làm hay, sáng tạo, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và hiến đất của Nhân dân, đường giao thông giáo xứ Phúc Lãng, xã Quảng Trường (Quảng Xương) được mở rộng khang trang, sạch đẹp.

Tỉnh Thanh Hóa có 153.813 giáo dân đang sinh sống tại 27 huyện, thị, thành phố. Giáo phận Thanh Hóa có Tòa Giám mục, 1 Dòng tu (Hội Dòng Mến Thánh giá với 4 cơ sở Dòng), 7 giáo hạt, 69 giáo xứ, 350 giáo họ, 179 cơ sở thờ tự với 69 nhà thờ xứ và 110 nhà thờ họ; có 1 giám mục, 150 linh mục, 336 nữ tu, 775 chức việc. Thực hiện và hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến với các vị chức sắc, chức việc và bà con giáo dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung hoạt động của tổ chức mình thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp, thống nhất hành động hàng năm, cùng với các văn bản hướng dẫn phù hợp với chủ đề, đối tượng vận động để triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ và các phong trào thi đua.

 Doanh nghiệp sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ tạo việc làm cho 15 lao động địa phương của Chánh trương giáo xứ Kẻ Bền, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) Lê Văn Đông.

Thông qua đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai sâu rộng trên các địa bàn dân cư và nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, đạt được những kết quả tốt đẹp trên các mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, ngày càng tạo ra các mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa bà con lương - giáo ở các KDC và trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; xây dựng, củng cố vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam.

Trong phát triển kinh tế, nhiều địa phương, đồng bào công giáo đã xây dựng trang trại, gia trại, đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, đồng bào công giáo đã chủ động sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, tìm thị trường để phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có mức thu nhập ổn định từ 4 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo đã tự nguyện đóng góp trên 24 tỷ đồng, hiến trên 139,6 ha đất, trên 82 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới hơn 1 nghìn km đường giao thông nông thôn, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, hàng năm có 100% KDC vùng đồng bào công giáo đăng ký xây dựng KDC văn hóa, 100% hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình văn hóa. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, ngày 18-11 hàng năm có nhiều KDC trong đồng bào công giáo được công nhận KDC văn hóa, nhiều hộ gia đình công giáo được công nhận gia đình văn hóa, được khen thưởng. Cụ thể, qua bình xét năm 2019 có 81,1% hộ gia đình đồng bào công giáo đạt chuẩn văn hóa, 71,9% KDC đạt KDC văn hóa, có trên 100 nghìn lượt gia đình được công nhận “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Phong trào xây dựng xã hội học tập được bà con giáo dân cùng với Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng thông qua đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, các cấp hội khuyến học quản lý Quỹ trên 350 tỷ đồng. Có nhiều mô hình điển hình như: “Dòng họ khuyến học”, “Giáo họ hiếu học”, “KDC hiếu học”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi”... Đã có hàng nghìn lượt con em giáo dân đậu vào các trường đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.

Với tinh thần “yêu thương và phục vụ” trong những năm qua, đồng bào công giáo cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng hiệu quả. Đã làm mới 3.282 căn nhà, sửa chữa 675 căn nhà, hỗ trợ sản xuất trên 7 tỷ đồng, khám chữa bệnh 3,2 tỷ đồng, hỗ trợ trên 9,3 tỷ đồng giúp học sinh nghèo học tập, tham gia đóng góp quỹ đền ơn, đáp nghĩa trên 2 tỷ đồng; quỹ trẻ em khuyết tật, mồ côi 1 tỷ 109 triệu đồng...; vận động ủng hộ thiên tai, bão lũ trên 150 tỷ đồng...

Đồng chí Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Kết quả của phong trào thi đua yêu nước sống “Tốt đời, đẹp đạo” với những việc làm cụ thể ở mỗi địa phương, mỗi xứ đạo, mỗi KDC, ở mỗi gia đình và từng cá nhân là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các vị linh mục, tu sĩ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo hội và giáo dân. Đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt KDC ngày càng khang trang, đồng bào công giáo trong tỉnh phấn khởi, yên tâm sống “tốt đời”, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc và góp phần làm “đẹp đạo” theo đúng tinh thần “yêu thương” của người Kitô giáo. Qua đó, tăng cường tinh thần đoàn kết lương giáo chu toàn bổn phận “Kính Chúa, yêu người”, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phan Nga