Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Mô hình nuôi ong dưới tán rừng của gia đình bác Tôn Thị Hồng Việt, người có uy tín thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.289 NCUT đã và đang thể hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, XDNTM. Trong phát triển kinh tế, NCUT đã đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, vươn lên làm kinh tế, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương. Bên cạnh đó, NCUT còn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, xóa bỏ canh tác lạc hậu, tạo ra mô hình, điển hình mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, NCUT tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gắn với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Đến nay, đã có nhiều hộ nông dân người DTTS ở các huyện Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Vĩnh Lộc... đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như hộ gia đình các ông, bà: Cút Văn Dân, dân tộc Khơ Mú, khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát); Lương Công Ấn, dân tộc Thái, xã Tam Văn (Lang Chánh); Cao Văn Son, dân tộc Mường, xã Điền Thượng (Bá Thước); Triệu Phúc Quý, dân tộc Dao, tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy); Lê Văn Tân, dân tộc Mường, thôn Quyết Tiến, xã Xuân Cao (Thường Xuân); Bùi Thị Thúy, dân tộc Mường, thôn Quan Nhân, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc)...

Trong phong trào XDNTM, đội ngũ NCUT đã tích cực vận động anh em dòng họ, người thân, đồng bào hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công, tiền của cùng với hỗ trợ của Nhà nước để làm đường bê tông giao thông; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, phòng học, trạm y tế xã; lắp đặt nhiều tuyến điện đường, camera an ninh đường làng, ngõ xóm góp phần đảm bảo an ninh trật tự; vận động nguồn lực trong XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tiêu biểu như các ông: Lê Đình Thắm, dân tộc Thổ, khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát (Như Xuân); Hà Văn Păn, dân tộc Thái, thôn Cao, xã Lũng Cao (Bá Thước); Hà Xuân Trường, dân tộc Mường, thôn Trâm Lụt, xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy)...

Nhờ sự đóng góp của đội ngũ NCUT trong phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM và sự nỗ lực chung tay của đồng bào các dân tộc, đến nay ở các huyện miền núi đã có 690/1.787 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 67/225 xã miền núi được công nhận xã NTM, tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã; tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; 99,8% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%...

Khắc Công