Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Trà Vinh

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, đồng thời là những tấm gương để dẫn dắt người dân thôn, bản vững tin theo Đảng, Nhà nước. Chính vì thế, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.341 km2, có 7 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã; 106 xã, phường, thị trấn. Dân số 1.009.168 người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer 318.231 người, chiếm tỉ lệ 31,53%, dân tộc Hoa 6.632 người, chiếm 0,65% và 502 người là dân tộc thiểu số khác. Hiện nay, toàn tỉnh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,22% so với hộ nghèo chung của toàn tỉnh, trong đó: hộ nghèo Khmer 5.394 hộ, chiếm tỉ lệ 6,05% so với tổng số hộ Khmer, chiếm 58,54% so với tổng số hộ nghèo chung của toàn tỉnh; hộ cận nghèo Khmer 10.181 hộ,  chiếm 52,28% so với tổng số hộ cận nghèo chung của toàn tỉnh.

Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín; triển khai và thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ "Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số"; giai đoạn 2018 - 2022, căn cứ danh sách bầu chọn người có uy tín của cấp xã và văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 445 người có uy tín là các đồng chí cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ban quản trị Chùa, cán bộ đương chức đang công tác tại ấp, khóm và những người sản xuất, kinh doanh giỏi. Tuy nhiên, qua rà soát, ngày 3/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 2543/QĐ-UBND về việc đưa ra và bổ sung danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022, cụ thể đưa ra và thay thế 14 người và bổ sung 4 người có uy tín, nâng tổng số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 449 người. Đó là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương. Thông qua các dịp lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, buổi khai giảng lớp ngữ văn Khmer, các kỳ thi sơ cấp, trung cấp Phật học… để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo được 1.403 cuộc có 58.143 lượt người dự góp phần đưa chủ trươngcủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.

Người có uy tín luôn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, như: các lễ hội, Tết cổ truyền, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tổ chức sưu tầm và giữ gìn các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc; tổ chức dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc, cụ thể: Có 29 vị người có uy tín tham gia trực tiếp giảng dạy ngữ văn Khmer và tiếng Pali tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer; 54 vị tham gia thành lập các đội văn nghệ, thể thao, trò chơi giải trí truyền thống, phục vụ các lễ hội của dân tộc; vận động hỗ trợ nhà chùa trùng tu chánh điện và một số công trình khác.

Người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi. Phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào, làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, "Cả nước chung tay vì người nghèo"... Kết quả đã đóng góp cho các phong trào của địa phương 1.107 triệu đồng; xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 8 hộ nghèo, số tiền 202 triệu đồng; lắp đặt 2 giếng khoan và kéo nước sạch cho 244 hộ nghèo, số tiền 222 triệu đồng; vận động mạnh thường quân 20 tấn gạo, số tiền 250 triệu đồng, 1.841 phần quà, số tiền 378,60 triệu đồng; ủng hộ bếp cơm từ thiện 62 triệu đồng; xây dựng đèn đường, số tiền 150 triệu đồng; xây dựng 42 căn nhà Đại đoàn kết, số tiền 1.232 triệu đồng, 2 nhà tình thương, số tiền 60 triệu đồng; mổ mắt miễn phí với số tiền 48 triệu đồng; giúp đỡ hộ nghèo, bệnh tật 316,15 triệu đồng và 250 kg gạo; vận động, đóng góp 834 triệu đồng, 4.994 lượt ngày công lao động, hiến 67.721 m2 đất để thực hiện các công trình công cộng tại địa phương. Đóng góp xây dựng 18 tuyến đường giao thông nông thôn, chiều dài 3.630 m, số tiền 645 triệu đồng và 10 công trình cầu giao thông nông thôn, kinh phí thực hiện 963 triệu đồng. Nhận đỡ đầu 90 học sinh, cấp 334 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, số tiền 742,80 triệu đồng; tổ chức trung thu và tặng quà cho thiếu nhi trị giá trên 12 triệu đồng.

Bằng kinh nghiệm, uy tín của bản thân, người có uy tín tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”. Tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, chống tuyên truyền đạo trái pháp luật. Người có uy tín tham gia hòa giải 394 cuộc, trong đó 264 cuộc hòa giải thành, cảm hóa được 817 đối tượng; vận động quỹ cho câu lạc bộ hòa nhập cộng đồng 26 triệu đồng. Đồng thời, cung cấp trên 102 nguồn tin có giá trị, phản bác 47 tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại địa phương, tham gia 186 ý kiến đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên, xây dựng phát triển các hội...

Để tổ chức xây dựng lực lượng, chăm lo, động viên người có uy tín tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động các phong trào; tỉnh đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho 1.277 lượt người có uy tín với kinh phí thực hiện 468 triệu đồng. Tổ chức đưa 60 đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố và Thủ đô Hà Nội với kinh phí thực hiện 736 triệu đồng. Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức họp mặt, thăm tặng quà các chùa Khmer tiêu biểu, các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, cán bộ cốt cán, gia đình chính sách, nhân dịp Chol Chnăm Thmây, Sen Đolta, lễ Hội Ok Om Bok… tổ chức thăm tặng quà 1.774 lượt người có uy tín với số tiền 856,80 triệu đồng nhân dịp Tết cổ truyền và dịp Lễ của đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín trên địa bàn tỉnh được cấp miễn phí các loại báo, tạp chí: Chuyên trang “Dân tộc và phát triển” của Ủy ban Dân tộc; Báo Khmer Trà Vinh theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg; Chuyên trang “Dân tộc thiểu số và Miền núi” của Báo Nhân dân theo Quyết định số 45/2019/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Để công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kết quả tốt hơn, từ những kinh nghiệm trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc” và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ "Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số", xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc là lực lượng nòng cốt trong việc phối hợp với các ngành tập hợp lực lượng người có uy tín, tiêu biểu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận, phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương.

Hai là, kịp thời cung cấp thông tin tình hình của tỉnh, đất nước và những thông tin cần thiết cho người có uy tín; định kỳ phổ biến cho người có uy tín chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đến đời sống, sản xuất và về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch... thông qua các hội nghị biểu dương người có uy tín, các buổi gặp mặt nhân các ngày lễ, tết nhằm nâng cao nhận thức của người có uy tín một cách rộng rãi.

Ba là, tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào khác ở địa phương; trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và cùng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở vận động, tổ chức đồng bào tích cực thực hiện.

Bốn là, quan tâm công tác bồi dưỡng, bố trí, sử dụng người có uy tín vào các tổ chức xã hội, tham gia vào các tổ chức đoàn thể, tổ chức hòa giải ở khu dân cư hoặc giới thiệu cơ cấu vào Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chủ động phát hiện, hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng, nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định.

Năm là, nâng cao năng lực, trình độ, uy tín cán bộ ở cơ sở, khu dân cư là lực lượng nòng cốt và chủ yếu thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm tin cậy để làm công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng thành thị và nông thôn. Nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với thực tế, nhằm phát huy tối đa vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Vũ Dương Châu, Nguyên Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam