Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông

(Mặt trận) -Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị trong những năm qua luôn quan tâm và coi trọng vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương. Đội ngũ người có uy tín đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Ông Hồ Văn Láo hướng dẫn bà con chăm sóc lúa nước -Ảnh: S.P

Đakrông hiện có 369 lượt người ở 70/78 thôn, bản được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín trong đồng bào DTTS không chỉ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.

Với sự gương mẫu và uy tín của mình, họ đã phát huy vai trò của mình trong tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ông Hồ Văn Đô ở thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông năm nay đã ngoài 70 tuổi, là một trong những điển hình người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện chia sẻ: “Muốn người dân tin thì trước hết mình phải làm gương. Bản thân tôi nhiều năm qua luôn cố gắng lao động sản xuất, gương mẫu chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, tích cực giúp đỡ mọi người, nhất là về kinh nghiệm sản xuất và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào xây dựng NTM; xây dựng mô hình kinh tế gia đình... Tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tình hình nội và ngoại biên, âm mưu thủ đoạn của các thế lực phản động chống phá cách mạng để người dân trong bản nắm rõ nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.

Thôn Tà Mên nằm cách trung tâm xã Ba Nang hơn 10 km, có 90 hộ, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều sinh sống. Đường vào Tà Mên gập ghềnh, nhiều đèo dốc, suối, khe chia cắt, diện tích trồng lúa nước ít. Những khó khăn về địa lý cộng với trình độ dân trí đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đây.

Trước thực trạng đó, với vai trò là trưởng thôn, ông Hồ Văn Láo đã cùng các đoàn thể trong thôn bắt tay vào tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đồng thời giữ gìn đoàn kết trong Nhân dân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông đã vận động Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất hoa màu với nuôi cá nước ngọt, mạnh dạn đầu tư đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Những việc làm của ông đã được cấp trên khen thưởng trong các lĩnh vực: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xã hội, sản xuất giỏi, xây dựng NTM và xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh, về các phong trào thi đua; năm 2018, ông được UBND tỉnh bình chọn để tôn vinh trong chương trình “Điểm tựa bản làng”.

Bằng kinh nghiệm, đội ngũ người có uy tín ở huyện Đakrông đã vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường, đóng góp hàng tỉ đồng làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương...

Ngoài ra, còn có rất nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc như: ông Hồ Văn Với ở thôn Cù Tài II, xã A Bung họ truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm...

Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như các ông: Mai Hoa Sen, Kray Sức (xã Tà Rụt), Hồ Đức Diệp, Hồ Thủy (thôn La Lay xã A Ngo), họ là những người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Đakrông. Với trách nhiệm của mình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp thôn, họ đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển KT-XH và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp.

Nhiều người là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, tham gia công tác hòa giải, đóng góp nhiều việc làm thiết thực ở địa phương. Chính những việc làm thiết thực đó, đã góp phần tích cực cùng với huyện thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận huyện Đakrông Hồ Văn Hiếu cho biết: “Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Đakrông luôn được coi trọng. Họ chính là đại diện, nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương.

Công lao đóng góp của những người có uy tín trên địa bàn đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển của huyện Đakrông.

S.P