Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

(Mặt trận) -Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội ở 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi ngày một phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, giữ vững. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Các đồng chí lãnh đạo MTTQ tỉnh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc tham quan mô hình khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp” thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc).

Đồng chí Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nhận định: Người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua vùng đồng bào DTTS; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM); giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói riêng, sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 người có uy tín trong đồng bào DTTS; trong đó dân tộc Mường 638 người, dân tộc Thái 485 người, dân tộc Kinh 92 người, dân tộc Thổ 31 người, dân tộc Dao 12 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc Khơ Mú 2 người và dân tộc Thổ 26 người. Đó là những người được thôn, bản bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với Nhân dân; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương; không quản ngại khó khăn, gian khổ đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, đô thị văn minh, rất nhiều người có uy tín đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh vươn lên làm kinh tế, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Tại các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thọ Xuân... đã có hàng trăm hộ nông dân người DTTS đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều tấm gương sáng về xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như các ông, bà: Lê Trọng Hiền, thôn Làng Gió, xã Bình Lương, huyện Như Xuân; Quách Văn Long, thôn Đồng Xuân, xã Hải Long, huyện Như Thanh; Bùi Thị Thúy, thôn Quang Nhân, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc...

Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, đội ngũ người có uy tín đã vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, đóng góp hàng tỷ đồng làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa phòng học, trạm y tế xã; khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các ông: Lê Văn Nhâm, thôn Ba Ngọc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân; Ngân Đức Hạnh, bản Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn; Lò Văn Tùng, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân...

Được sự tuyên truyền của người có uy tín, người dân thôn Thạch An, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) chuyển đổi diện tích trồng keo hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây na Hoàng Hậu, xoài Đài Loan, nâng cao thu nhập. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi khèn, ném còn, đánh cù của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao... Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các ông, bà: Mùa A Chu, bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa; Hà Văn Khuyên, bản Na Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn; Bàn Văn Phòng, thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy; Hà Thị Tâm, thôn Tân Thành, xã Thành Lâm, huyện Cẩm Thủy... Chính những việc làm thiết thực của những người có uy tín đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 715 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM.

Sự góp sức của người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương. Nhiều người đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các ngành chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm. Tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; truyền đạo trái phép; tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, trong dân tộc và tôn giáo; quản lý, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; tích cực vận động con cháu trong gia đình không sa vào các tệ nạn xã hội, ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu... Tiêu biểu trên lĩnh vực này có các ông: Hà Văn Khuyên, bản Na Hồ, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn; Trương Ngọc Vụ, thôn Sơn Thủy, xã Lương Trung, huyện Bá Thước; Hà Văn Bon, huyện Thường Xuân...

Với trách nhiệm của mình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, HĐND các cấp, người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Nhiều người là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, nhất là công tác hòa giải và đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết... Từ đó, đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, không ngừng ra sức thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và góp sức xây dựng quê hương.

Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành một tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước. Họ thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng đều, bền vững của tỉnh trong thời gian qua.

Phan Nga