Phát huy vai trò người có uy tín ở huyện Thanh Sơn

(Mặt trận) -Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện có 207 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực áp dụng KHKT, đổi mới kỹ thuật canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Với sự tuyên truyền, vận động của những người có uy tín, nhiều lao động người DTTS trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã tham gia các lớp đào tạo nghề, có được việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội được huyện Thanh Sơn triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, huyện Thanh Sơn được thực hiện năm dự án thành phần gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích cây rau, màu các loại; triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng lúa giống mới nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Từ sự vận động của người có uy tín, nhiều thanh niên, hội viên phụ nữ, nông dân là đồng bào DTTS đã tham gia các lớp học nghề chăn nuôi thú y, chế biến chè, cơ khí, may mặc... Đến nay, 56,7% lao động qua đào tạo và được truyền nghề, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 26,8%, góp phần nâng cao thu nhập. Năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 199 hộ (giảm 0,59% so với năm 2021), hộ cận nghèo giảm 274 hộ, giảm 0,81%. Toàn huyện có sáu xã, 120 khu đạt chuẩn NTM.

Ông Đinh Như Hoa- Người có uy tín ở khu 7, xã Cự Thắng cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức phát huy nội lực, có ý chí vươn lên, áp dụng KHKT, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất quê hương vào sản xuất, cùng giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.

Bên cạnh đó, những người uy tín trong đồng bào DTTS của huyện cũng gương mẫu phát triển kinh tế, áp dụng KHKT vào sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như ông Đặng Đình Điện, dân tộc Dao ở khu Hạ Thành, xã Tân Lập phát triển kinh tế từ trồng bưởi, keo, nuôi bò 3B, mở xưởng ván bóc, tạo việc làm cho 16 lao động địa phương.

Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, các ông Đinh Khắc Hiếu xóm Sự Trong, xã Cự Thắng; Triệu Văn Quang xóm Thành Công, xã Văn Miếu; bà Đinh Thị Bạn xóm Đồng Cỏ, xã Thục Luyện; ông Phùng Đức Hòa xã Hương Cần... đã tích cực vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành cầu nối giữa đồng bào DTTS với các cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động đồng bào chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tạo được chuyển biến về nhận thức, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thanh Sơn, đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phương Thanh