Phát huy vai trò người có uy tín

(Mặt trận) -Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả Quyết định 2561/QĐ-TTg ngày 31-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ” (DTTS). Qua đó, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS được chú trọng, phát huy vai trò “cầu nối” của người uy tín trong thực hiện công tác dân tộc, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

An cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Phùng Văn Minh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang, Tuyên Quang)  (thứ 4 từ trái sang) tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Mông.

Theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, trên cơ sở tiêu chí xác định người có uy tín, nguyên tắc lựa chọn người có uy tín theo Quyết định 2561, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, rà soát bình chọn người có uy tín. Giai đoạn 2016 - 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định công nhận 7.197 lượt người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong 3 năm, từ 2019 - 2021, toàn tỉnh đã đưa ra 485 người có uy tín ra khỏi danh sách người có uy tín; bổ sung, thay thế 352 người. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.116 người uy tín (nam 995 người, nữ 121 người). Trong đó, già làng 42 người, Trưởng dòng họ 32 người; Trưởng thôn và tương đương 242 người; cán bộ nghỉ  hưu 178 người; chức sắc, tôn giáo 3 người; thầy mo, thầy cúng 63 người; nhân sĩ, tri thức 1 người; doanh nhân, người sản xuất kinh doanh giỏi 19 người, các thành phần khác 554 người.

5 năm qua, Ban Dân tộc chủ trì tổ chức 37 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho 2.011 người có uy tín; tổ chức đưa 260 đại biểu người có uy tín tiêu biểu đi thăm và gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Tổng kinh phí thực hiện trên 2,5 tỷ đồng. Người uy tín còn được cấp miễn phí 2 loại báo là: Báo Tuyên Quang, Báo Dân tộc và Phát triển. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người có uy tín như tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tết của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau, gia đình người uy tín gặp khó khăn; tổ chức hội nghị cung cấp thông tin và đưa người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Nhờ thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS, vị thế, vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh ta được nâng lên. Người có uy tín đã vận động, tuyên truyền đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đồng lòng, đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.  

Chúng tôi đến thăm ông Phùng Văn Minh, dân tộc Mông, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang), Phó nhóm Tin lành Việt Nam miền Bắc xã Khau Tinh. Ông là 1 trong 3 người có uy tín có chức sắc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận trong suốt 10 năm qua. Thôn có 102 hộ, trong đó có 26 hộ dân tộc Tày, 76 hộ dân tộc Mông. Người Mông theo đạo Tin lành chiếm 80% tổng số hộ dân tộc Mông. Bằng sự uy tín của mình, ông Minh đã vận động đồng bào Mông chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo. Bà con người Mông Khau Phiêng từng bước thay đổi nhận thức, tích cực đóng góp sức người, sức của trong xây dựng hạ tầng nông thôn, tham gia thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Nêu gương trong phát triển kinh tế, ông Minh đã trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn đen, ước thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Con trai ông là Phùng Văn Hồng cũng có mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Hai bố con ông đều được UBND tỉnh khen thưởng tại Hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất năm 2021 của tỉnh.

Trước năm 2017, Chi bộ thôn Cây Chanh, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) từng là chi bộ yếu kém. Dưới sự lãnh đạo và thực hiện các giải pháp quyết liệt của chi bộ, ông Mông Thanh Thuận, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ, người có uy tín, đã giúp chi bộ đã “bứt phá” trở thành chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ xã, nhận được nhiều Giấy khen của các cấp, ngành. Với tinh thần “Lấy dân làm gốc”, “Nói được, làm được”, “Nói đi đôi với làm”, ông Thuận ngày càng tạo được sự uy tín với đảng viên, nhân dân. Từ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ được nâng lên rõ rệt, ông Thuận cùng với chi bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2016. Thôn giảm từ 47 hộ nghèo còn 3 hộ nghèo.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định nội dung: “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; quan tâm, đề cao ý nghĩa, vị trí, vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, góp phần cùng với Đảng bộ tỉnh, nhân nhân thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Bích Hằng