(Mặt trận) -Người có uy tín ở thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có vị trí, vai trò rất quan trọng, được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là cầu nối để gắn kết ý Đảng, lòng dân và được ví như “chất keo” gắn kết người dân trong cộng đồng dân cư…
|
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tham gia tập huấn kiến thức về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức (tháng 10/2024) |
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 1.602 người có uy tín, trong đó nam là 1.374 người, nữ là 228 người. Họ gắn bó chặt chẽ với người dân, hiểu sâu sắc phong tục, tập quán, tâm tư, tình cảm của bà con, từ đó có nhiều thuận lợi trong tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn.
Gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực
Căn cứ đặc điểm địa bàn, tình hình dân cư, mỗi người có uy tín đã có những cách làm hiệu quả để tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển.
Thôn Đồng Liên, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng có 200 hộ, trên 800 nhân khẩu, có 6 dân tộc cùng sinh sống, bà con chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, người dân trong thôn luôn đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội, đời sống ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn 2%; trên 92% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Có được kết quả này một phần là nhờ sự góp sức của người có uy tín trong thôn, đó là ông Lục Văn Cun.
Ông Cun chia sẻ: Với 23 năm làm trưởng thôn (từ năm 1999 đến năm 2022), tôi nắm rõ tình hình, đặc điểm của thôn. Tôi luôn xác định để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả, trước hết bản thân mình và gia đình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động, đóng góp các loại quỹ... Cùng đó, hằng năm, tôi cùng các thành viên ban công tác mặt trận ở khu dân cư tuyên truyền, vận động bà con tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội. Chẳng hạn như trong năm 2024, tôi tham gia vận động 18 hộ dân trong thôn hiến 500 m² đất làm đường bê tông; vận động bà con ủng hộ các loại quỹ được trên 7,5 triệu đồng; tôi cũng tham gia hòa giải 5 vụ mâu thuẫn xảy ra trong khu dân cư… Qua đó, khối đại đoàn kết trong thôn ngày càng được củng cố, mọi mặt đời sống người dân trong thôn được nâng lên.
Tại huyện Đình Lập, trên địa bàn hiện có 106 người có uy tín. Thời gian qua, đội ngũ này đã có những đóng góp quan trọng trong tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn.
Bà Nông Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đình Lập cho biết: Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn những năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân ở khu dân cư tham gia các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ và các cấp, ngành ở địa phương phát động, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Nhiều nội dung các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả nhưng khi có sự hỗ trợ của người có uy tín thì đã thành công. Trong năm 2024, lực lượng này đã tham gia hòa giải thành công 77 vụ mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, không để xảy ra phức tạp, kéo dài gây mất an ninh trật tự; vận động người dân hiến trên 4.240 m² đất, tham gia 6.362 công lao động để xây dựng các công trình NTM…
Cũng như ở các địa bàn trên, thời gian qua, người có uy tín trong toàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, cuộc vận động, các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Theo tìm hiểu, trong tổng số 1.602 người có uy tín trên địa bàn thì có 100 người là đảng viên; 200 người là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố; 13 người là trưởng ban công tác mặt trận; 26 người là già làng, trưởng dòng họ; 349 người là cán bộ hưu trí…
Bằng uy tín, trách nhiệm và sự hiểu biết của mình, công tác tuyên truyền, vận động người dân của lực lượng này đã đem lại hiệu quả tích cực, họ như cầu nối, chất keo gắn kết tình đoàn kết cộng đồng, góp phần để địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đơn cử, trong năm 2024, đội ngũ này đã tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân hiến 76.462 m² đất và đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động xây dựng NTM. Cùng đó, vận động người dân ủng hộ vào quỹ vì người nghèo các cấp được trên 8,9 tỷ đồng; tham gia hoà giải thành công các vụ mâu thuẫn đạt 72,87%.
"Cầu nối" ý Đảng, lòng dân
Không chỉ có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, người có uy tín còn là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Với phần lớn là đảng viên, đồng thời đảm nhận nhiều vai trò khác nhau ở khu dân cư, những người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, họ luôn truyền tải kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách đến với người dân và ngược lại, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con được họ phản ánh tới các cấp, ngành xem xét giải quyết.
Để người có uy tín phát huy tốt vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, hằng năm, các cấp, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đều tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín. Cùng đó, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ này như thăm, tặng quà vào dịp tết nguyên đán; thăm hỏi ốm đau; tặng sách, báo theo quy định.
Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hằng năm, các chế độ chính sách và việc triển khai các hoạt động nhằm tạo điều kiện để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được ban và các cấp, ngành liên quan thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Theo đó, hằng năm đội ngũ này được cấp phát báo miễn phí; được mời tham dự các hội nghị cung cấp thông tin, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, tham quan học tập kinh nghiệm. Từ đó giúp họ nâng cao hiểu biết, kỹ năng, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền cho hơn 1.500 lượt người có uy tín ở khu vực biên giới; Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 29 hội nghị cung cấp thông tin cho 100% người có uy tín trên địa bàn; phối hợp tổ chức 13 chuyến đi học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh; tặng điện thoại thông minh cho 171 người có uy tín. Tính riêng trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 3 cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trên địa bàn; UBND các huyện, thành phố tổ chức 11 hội nghị cung cấp thông tin cho 100% trường hợp; các cấp, ngành đã thăm hỏi 112 lượt người có uy tín ốm đau; khen thưởng 10 cá nhân tiêu biểu tại địa phương…
Thông qua đó, lực lượng này đã nắm bắt kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước, quốc tế và địa phương.
Ông Hoàng Quốc Giáo, 64 tuổi, người có uy tín khu 4, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chia sẻ: Tôi được bầu làm người uy tín từ năm 2019. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, cộng với hằng năm được UBND huyện, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tập huấn, cung cấp các thông tin đã giúp tôi thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao. Bản thân tôi cũng luôn chủ động nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó lựa chọn cách tuyên truyền, vận động phù hợp với từng gia đình, đối tượng để đem lại hiệu quả cao nhất, với mục tiêu nhằm gắn kết tình cảm, nghĩa xóm, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển. Đơn cử như trong năm 2024, tôi đã phối hợp hòa giải thành công 3/3 vụ việc phát sinh; tích cực vận động bà con phát triển kinh tế nâng cao đời sống; đến nay khu chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 1,22% và 2 hộ cận nghèo, chiếm 1,22%.
Không những vậy, hằng năm, tại ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư, ngày hội biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, lãnh đạo tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn đều tặng quà động viên người uy tín. Chẳng hạn, trong năm 2024, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tặng 100 suất quà cho người uy tín ở các khu dân cư tổ chức ngày hội đại đoàn kết, tổng trị giá các suất quà là 77,5 triệu đồng.
Qua đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của bản thân. Họ luôn sâu sát với đời sống người dân, đến từng nhà vận động từng người dân để góp phần truyền tải kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, góp phần bài trừ các hủ tục, giữ cho bản làng, thôn xóm đoàn kết, yên bình, văn minh và phát triển. Cùng đó, tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn… Nhờ vậy, đời sống người dân ở các khu dân cư ngày càng được nâng lên. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, năm 2024, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn ước đạt 89,4%, tăng 2,5% so với 2023.
H.H