Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện và ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Mô hình trồng màu từ đồng vốn tín dụng chính sách của hộ ông Sơn Sóc Kha ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) .

Để xây dựng các mô hình tạo sinh kế, hướng đến giải quyết nhiều việc làm và giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm tổ chức hỗ trợ phương tiện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là tăng cường đầu tư vốn tín dụng chính sách từ các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi dành cho hộ nghèo. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo này đã phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho đồng bào Khmer nghèo.

Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) gồm 58 tổ viên, có số dư nợ cao với gần 2 tỷ đồng, chất lượng hoạt động tín dụng tốt. Các tổ viên đã sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn thông qua các mô hình sản xuất như: chăn nuôi heo, vịt, gà, trồng rau màu… Từ đó, không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng, cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Điển hình như gia đình ông Sơn Sóc Kha (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội). Trước đây, cả gia đình 4 người của ông Sơn chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất rẫy canh tác không hiệu quả và công việc phụ hồ của ông Kha. Kinh tế gia đình quá khó khăn nên đã có lúc ông Kha phải rời quê đi làm ăn xa mang theo giấc mộng đổi đời. Thế nhưng, do không tìm được việc làm thích hợp, ông Kha quay trở về quê nhà và cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình ông, Tổ TK&VV đã giúp ông tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với lãi suất thấp. Có vốn, ông Kha bắt đầu lên kế hoạch, chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình. Trước tiên là khoan cây nước, mua máy bơm nước, cải tạo đất… Trồng nhiều loại rau theo mùa, nhưng ông dành nhiều diện tích đất hơn để trồng rau muống, vì loại rau này có thể trồng quanh năm, thời gian gieo hạt đến khi thu hoạch cũng nhanh, chỉ khoảng 20 ngày. Với 2 công đất, ông không xuống giống cùng một lúc mà chia ra nhiều đợt để ngày nào cũng có rau bán. Hiện nay, mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 70 - 80kg rau muống, giá bán từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Ông Sơn Sóc Kha cho biết: Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay chính là nhờ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, vươn lên thoát nghèo bền vững, hoàn trả vốn vay cho Nhà nước để những hộ khó khăn hơn tôi được nhận chính sách ưu đãi này.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lợi, đến nay đã có hơn 11.200 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ trên 310 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện thời gian qua đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần không nhỏ trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lợi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho các hội, đoàn thể, các tổ TK&VV về các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, những quy định thủ tục cho vay của Ngân hàng CSXH. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn về tổ chức thực hiện ủy thác, kiểm tra định kỳ việc sử dụng vốn vay. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn để làm cơ sở bình xét cho vay đúng đối tượng…

Phan Anh