Ông Trần Thanh Mẫn: “Hỗ trợ kịp thời người dân tộc thiểu số gặp khó khăn do Covid-19“

(Mặt trận) - Chiều 7/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Dân tộc 

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội... 

Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Dân tộc trong các năm qua, đặc biệt là năm 2021 đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc Tết đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng, miền; chăm lo đời sống, vật chất, cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Dân tộc…

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ Ủy ban Dân tộc xác định cho năm 2022, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết nguyên đán Nhâm Dần, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, bên cạnh những thành tựu vẫn còn một số hạn chế trong công tác dân tộc, như: so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; tình trạng di cư tự phát chưa được giải quyết hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhiều nơi chưa đạt tỷ lệ theo quy định...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Dân tộc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng Đề án về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam; đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án về tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mục tiêu là người dân thực sự được hưởng lợi từ Chương trình

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Ủy ban Dân tộc 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Dân tộc cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Qua xem xét các báo cáo có liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai các chương trình đã được thực hiện nghiêm túc, 5 nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ cơ bản đã và đang thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, còn nhiều việc cần tích cực triển khai hơn nữa.

Với tinh thần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ, tập trung đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực; tăng cường giám sát công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

“Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì phối hợp và giao trách nhiệm rõ ràng cho 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Cần đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó, có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm để sau khi sơ kết 5 năm sẽ hoạch định cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, phải nêu được cụ thể những việc đã làm, khó khăn vướng mắc; thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất giải pháp trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, phải nhìn nhận chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đầy đủ, hiệu quả 10 giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ trong Nghị quyết của Chính phủ.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, bền bỉ, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, phải chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tăng cường phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác dân tộc, nhất là Hội đồng Dân tộc có vai trò chủ trì, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý Ủy ban Dân tộc nhanh chóng nắm bắt đời sống của người dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn khi trở về từ vùng dịch; người dân bị tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ ngay, kịp thời giải quyết khó khăn cho đồng bào. Nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp tạo việc làm, đào tạo và đào tạo lại cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đồng bào yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, gắn bó với quê hương. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công tác y tế, dân số, đặc biệt là về bảo hiểm y tế (BHYT); kiến nghị các địa phương trong việc cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng, như hộ gia đình cận nghèo, học sinh - sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, ưu tiên các đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện; kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Dân tộc cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung.

Nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Ủy ban Dân tộc sẽ cụ thể hóa các nội dung này vào Kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.