''Ông giáo'' già ở buôn làng Ka Đô

(Mặt trận) -Ông Tou Prong Dzung - già làng sống tại thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được bà con biết đến là một đảng viên uy tín, nhiệt huyết. Người con của buôn làng Chu Ru đã dành cả cuộc đời mình nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ông Tou Prong Dzung khoe chiếc áo gắn nhiều huy hiệu - kỷ niệm chương mà ông cất giữ lâu nay

GIÀ LÀNG SAY MÊ NGÔN NGỮ

Trong câu chuyện với chúng tôi kể về quá khứ, ông đã nhớ nhớ, quên quên nhiều điều. Khi đó, ông là người hiếm hoi ở buôn làng được tiếp cận với con chữ để rồi say mê và gắn bó cả cuộc đời mình. 70 năm qua, ông đã công tác ở nhiều vị trí, chức vụ khác nhau như: Chủ tịch xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã kiêm Bí thư Chi bộ liên thôn: Ka Đô cũ, Ka Đô mới, Ta Ly. Về hưu, ông làm Bí thư chi bộ đến năm 2020 và hiện tại, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ka Đô. Thế nhưng, công việc mà ông bảo mình nhớ mãi, nó không chỉ là một nghề mà còn mang lại cho ông sự hạnh phúc, đó là nghề giáo. Khi mới chỉ là cán bộ thu thuế nông nghiệp ông đã kiêm vai trò giáo viên giảng dạy bình dân học vụ. 

Đến năm 2000, ông được giao phụ trách đào tạo chứng chỉ tiếng Chu Ru, K’Ho cho cán bộ, công chức huyện Đơn Dương. Trung bình 1 năm, ông phụ trách 4 lớp (2 lớp Chu Ru, 2 lớp K’Ho). Những năm gần đây, tình trạng sức khỏe không cho phép, mỗi năm ông thường chỉ đứng từ 1 đến 2 lớp. 

“Thấy ai học tiếng Chu Ru, K’Ho mình đều vui cả. Nhất là từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương dạy tiếng đồng bào cho cán bộ, công chức. Bởi chính điều này giúp kéo gần khoảng cách giữa mình với các học viên cũng như giữa chính quyền và người dân. Thông qua quá trình giảng dạy ngôn ngữ, mình có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của dân tộc Chu Ru nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung”, ông Tou Prong Dzung chia sẻ.

Ở tuổi của ông, mỗi giờ đứng lớp là một sự tâm huyết trong từng câu chữ, bài giảng. Tự nhận mình là người say mê ngôn ngữ học nên ngoài tiếng Chu Ru và K’Ho, ông Dzung còn tự học thành thạo 4 thứ tiếng khác: Ê Đê, Gia Rai, Chăm, Raglai.

“Dĩ nhiên tôi vẫn yêu nhất tiếng mẹ đẻ của mình. Để hiểu về văn hóa các dân tộc có nhiều cách nhưng thông qua ngôn ngữ, có thể hiểu cả về lịch sử, các yếu tố cấu thành nên văn hóa. Và chỉ cần là thấu hiểu ngôn ngữ thì khoảng cách tự nhiên giữa con người dù có xa lạ cũng sẽ được thu hẹp, đưa con người xích lại gần nhau hơn”, ông Dzung nói thêm.

NGƯỜI HIỀN MINH CỦA BUÔN LÀNG

Cả cuộc đời ông gắn bó với sự thay đổi từ cái cây, ngọn cỏ, đến cuộc đời của từng người dân Ka Đô. Ông kể rằng người Chu Ru vốn gắn bó với cây lúa nước truyền thống. Đây là nguồn cung cấp cái ăn, cái mặc cho biết bao thế hệ người bản xứ. Tuy nhiên, cứ giữ mãi truyền thống ấy lại vô hình trung trở nên tụt hậu so với sự phát triển của xã hội. Thế nên việc chuyển đổi sang các loại cây rau ngắn ngày là một sự phù hợp.

Ông là một trong những người Chu Ru đầu tiên tiến hành trồng thử nghiệm bắp sú, cải thảo, các loại bí... và vận động người dân phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng thêm các loại rau ngắn ngày để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy mà người dân buôn làng Chu Ru hôm nay đã dần thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với sự phát triển nhu cầu thị trường. Đời sống của bà con ở thôn Ka Đô cũ nói riêng và vùng đồng bào DTTS ở Ka Đô nay cũng khấm khá hơn nhiều. 

Từng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông là người hiểu rõ vốn quý trong giá trị văn hóa truyền thống Chu Ru, đặc biệt là tiếng nói, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, lễ hội. Nghĩ về tình trạng văn hóa truyền thống dân tộc đang dần mai một, ánh mắt vị già làng không tránh khỏi lo lắng, bất an.

Ông cũng thừa nhận rằng không riêng gì người Chu Ru mà hầu hết các dân tộc đều đang đứng trước nguy cơ mai một các yếu tố văn hóa truyền thống. Nên dù đã tuổi cao sức yếu, ông cố gắng từng chút một níu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng. Ông bắt đầu từ những việc đơn giản như vận động người trẻ trong buôn làng học cồng chiêng, múa dân gian dân tộc hay đơn giản chỉ là mặc trang phục đặc trưng của đồng bào vào các dịp đám cưới, đám hỏi. 

Trong nhà vị già làng vẫn còn lưu giữ nhiều món đồ truyền thống. Trong đó có một chiếc áo thổ cẩm gắn nhiều huy hiệu, kỷ niệm chương - những vật chứng cho quá trình công tác, cống hiến cả một đời của mình. 

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Ka Đô cho biết dù ở tuổi nào thì ông Dzung cũng là một người hết sức nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, hoạt động ở địa phương. Hầu hết những thay đổi ở thôn Ka Đô đều có đóng góp của ông, từ đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn cho đến phát triển những đảng viên trẻ trong chi bộ.

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, ông là một trong những người tiên phong đến từng nhà, từng ngõ phổ cập kiến thức về dịch bệnh, vận động người dân trong xã “nhà ai nấy ở”. Khi nhận được câu hỏi từ dân làng về việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, vị già làng tận tình giải thích, động viên mọi người yên tâm, tin tưởng vào chính sách mà Chính phủ đưa ra.

Tuy đã lui về trở thành hậu phương tinh thần cho con cháu nhưng với nhiều công việc quan trọng của thôn hay dòng tộc, ông vẫn giữ vai trò là “hiền minh” của buôn làng. Và một trong những điều khiến vị già làng an lòng là việc chứng kiến từng lớp con cháu ngày càng chăm ngoan, thành đạt với các vai trò kỹ sư, bác sỹ, giáo viên... Ông cũng hi vọng lớp lớp thanh niên hôm nay, ngoài việc cống hiến cho xã hội cũng đừng làm mất đi những giá trị văn hóa vốn quý, được cha ông gìn giữ bao đời.

HỒNG QUYÊN