Ổn định đời sống người dân miền núi ở tỉnh Phú Yên

(Mặt trận) -Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) tỉnh Phú Yên gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền các cấp, bà con đang dần ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Các chương trình, chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện đầy đủ các chương trình, chính sách

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, những tháng đầu năm, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cuộc sống người đồng bào DTTS-MN, các chương trình, chính sách dân tộc cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh, bước đầu tạo nền tảng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Người dân huyện Đồng Xuân nỗ lực ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Cụ thể, các tuyến giao thông đi các huyện miền núi và các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Trục giao thông phía tây nối các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk và 3 huyện miền núi của tỉnh được đưa vào sử dụng đã phát huy nhiều lợi thế. Đến nay, 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, cứng hóa… giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Các địa phương thường xuyên nâng cấp, tăng năng lực tưới tiêu các công trình thủy lợi, tạo điều kiện phát triển vùng trồng cây lương thực tại chỗ cũng như phát triển diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên. Vùng dân tộc miền núi đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy; công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người DTTS ở vùng sâu vùng xa được quan tâm.

Anh Y Nem ở buôn Chung, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, bày tỏ: Đầu năm 2021, từ chương trình thanh niên khởi nghiệp của Huyện đoàn, tôi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của gia đình, tôi xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò lai chất lượng cao; sau 6 tháng lãi được 60 triệu đồng. Đây là mô hình giúp thanh niên khởi nghiệp rất hiệu quả, đặc biệt là thanh niên vùng DTTS còn đang khó khăn, chưa ổn định cuộc sống.

Lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư

Theo kết quả rà soát, xác định xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025, Phú Yên hiện có 23 xã khu vực III, II, I (trong đó 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II và 10 xã khu vực I) và 70 thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN trong thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đề xuất tập trung thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS-MN; phối hợp lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn vốn địa phương để tiếp tục đầu tư, phát triển kết cầu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai tốt kế hoạch của UBND tỉnh về các chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025.

Các ngành, địa phương cần huy động mọi nguồn lực xã hội vào các hợp phần của chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS-MN; đặc biệt có sự tham gia của người dân trực tiếp hưởng lợi. Tổ chức lấy ý kiến người dân ngay từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn danh mục cần đầu tư, nhất là người có uy tín trong đồng bào DTTS; phát huy vai trò giám sát, chủ động của bà con. Các địa phương có xã miền núi và đồng bào DTTS cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; đề ra mục tiêu, lộ trình giải pháp phù hợp cho từng năm và cả giai đoạn. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cho biết: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến đời sống người đồng bào DTTS-MN gặp không ít khó khăn. Bên cạnh các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai xuyên suốt, chính quyền các cấp đã tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh hiệu quả; đồng thời quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, cũng như ổn định kinh tế cho người đồng bào DTTS-MN bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Cụ thể là các chính sách hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm cho đồng bào các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các gia đình khó khăn; hỗ trợ rơm, thức ăn chăn nuôi cho đàn trâu bò của người dân bị phong tỏa; hỗ trợ sản xuất, trồng trọt, tiêu thụ nông sản cho bà con… Nhờ vậy, đời sống người đồng bào DTTS-MN nhanh chóng ổn định và sẵn sàng khôi phục lại sản xuất. Những chủ trương, chính sách này càng củng cố, nâng cao niềm tin của người đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước trong những giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhờ các chính sách dân tộc được triển khai xuyên suốt; các chương trình hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm cho đồng bào các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các gia đình khó khăn nên đời sống người đồng bào DTTS-MN đã ổn định và sẵn sàng khôi phục lại sản xuất. Những chủ trương, chính sách này càng củng cố, nâng cao niềm tin của người đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên

NGÔ XUÂN