Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer

(Mặt trận) -Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như: tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ nhà tình thương, tặng quà, đào tạo nghề, tạo việc làm… Đến nay, công tác này đang cho thấy hiệu quả tích cực bước đầu, góp phần đổi thay bộ mặt phum sóc và cải thiện đời sống đồng bào Khmer tại địa phương.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

 Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình).

Cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tế

Thời gian qua, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Bạc Liêu đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đồng thời thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống người dân. Đó là: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng trường, trạm ở các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; Triển khai thực hiện Chương trình 135, Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Từ các chính sách trên đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào Khmer,  bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các phum sóc được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Huyện Hòa Bình là một trong những địa phương có số hộ Khmer nghèo cao nhất tỉnh với 39 hộ nghèo và 274 hộ cận nghèo. Nhằm hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện vươn lên, từ đầu năm đến nay, Phòng Dân tộc và Tôn giáo (DT-TG) huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: khảo sát xây dựng mô hình dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo; Phối hợp với Ban DT-TG tỉnh hỗ trợ một căn nhà tình thương cho hộ nghèo Khmer gặp khó khăn về nhà ở và hàng trăm suất quà cho hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn... “Thực hiện công tác giảm nghèo đã khó, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc càng khó hơn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, ban ngành, Phòng DT-TG huyện còn tranh thủ mọi nguồn lực, vật lực để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer xuống mức thấp nhất. Đồng thời tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững bằng cách vận động cất nhà tình thương, tặng nhu yếu phẩm, tạo mô hình sinh kế… để giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Trịnh Phương Dung - Trưởng phòng DT-TG huyện Hòa Bình, cho biết.

Cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa

Theo Ban DT-TG tỉnh Bạc Liêu, những tháng đầu năm, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer như: cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; chi trả học bổng; tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., đơn vị còn tranh thủ mọi mối quan hệ, nguồn lực để chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer. Chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, Ban DT-TG tỉnh đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà tình thương cho hộ dân tộc Khmer nghèo, hỗ trợ quà cho hộ dân tộc, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer, giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, phấn đấu cùng tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng sự trợ sức của các tổ chức từ thiện - xã hội, doanh nghiệp nên công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, hiện nay, do nguồn lực có hạn nên công tác giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, do đó các địa phương rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, mạnh thường quân trong việc hỗ trợ kinh phí và các hoạt động khác để thực hiện công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer được tốt hơn.

Minh Luân