(Mặt trận) -Những năm gần đây, đời sống của bà con Khmer Cà Mau không ngừng khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…đã giúp bà con đồng bào dân tộc vươn lên...
Những năm gần đây, đời sống của bà con Khmer Cà Mau không ngừng khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…đã giúp bà con đồng bào dân tộc vươn lên trong cuộc sống, vượt khó, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần đậm đà bản sắc đang thật sự làm thay đổi đời sống người Khmer của Cà Mau.
|
Xóm Khmer Lớn, thuộc ấp 6 (xã Khánh Hoà, huyện U Minh), bà con phấn khởi trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, trước sự đổi thay vùng quê một thời nghèo khó |
Để giảm tình trạng hộ nghèo trong đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng một cách bền vững, tỉnh Cà Mau đã vận dụng tốt những chính sách hỗ trợ từ Trung ương.
Theo ông Triệu Quang Lợi, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, 5 năm qua, bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, được phân bổ đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.047 hộ, với nguồn vốn 16 tỷ đồng; xây dựng được 266 công trình cơ sở hạ tầng (có 94 công trình duy tu bảo dưỡng) với kinh phí trên 10,8 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho 11 xã, với 42 ấp đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đã hỗ trợ đất sản xuất cho 328 hộ, đất ở cho 1.103 hộ, đào tạo nghề cho 832 lao động, mua dụng cụ, máy móc sản xuất cho 2.106 hộ và mua đất sản xuất tập trung với diện tích hơn 879.370m2…
“Đến nay, Cà Mau có 8/11 xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã; có 5 xã có công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo phục vụ sản xuất cho trên 45% diện tích trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản (đạt 90% kế hoạch); 64% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (đạt 100% kế hoạch); giải quyết và đáp ứng yêu cầu cơ bản về nhà sinh hoạt văn hóa (xây dựng trụ sở văn hóa chung, đạt 100%); xây dựng 5 nhà sinh hoạt văn hóa (Salatel) cho đồng bào dân tộc Khmer. Nếu như, trong năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau là 41%, thì cuối năm 2015 giảm còn 16,5%. Hiện theo chuẩn nghèo đa chiều, Cà Mau còn 3.441 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo (chiếm 36,32%), hộ cận nghèo là 762 hộ (chiếm 8,04%)” – ông Lợi nói.
Có thể nói, những năm qua, đồng bào Khmer của huyện U Minh (Cà Mau) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước. Những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đời sống của bà con ngày một thay da đổi thịt, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đây chính là điều kiện thuận lợi để đồng bào đón Lễ hội Óoc Om Bóc (từ 13 – 14/11/2016), được rộn ràng, tươm tất.
|
Người Khmer Khánh Hòa (U Minh) thi đua lao động sản xuất góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều phần việc để xây dựng nông thôn mới |
Trên tuyến đường bê tông phẳng lì, chúng tôi đến xã Khánh Hòa (huyện U Minh) điểm sáng thoát nghèo vùng dân tộc ở Cà Mau. Trước đây, hầu hết bà con trong xã sống bằng nghề nông nhưng ruộng đất ít, cái nghèo đeo bám từng hộ.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà (huyện U Minh) Lâm Vũ An cho hay: “Những năm qua, đời sống của đồng bào Khmer Khánh Hòa được nâng lên về mọi mặt. Nhiều hộ đã chủ động áp dụng mô hình mới vào sản xuất, cho thu nhập ổn định, đã thoát nghèo và đang từng bước vươn lên khá giàu. Qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều công trình, phần việc để xây dựng nông thôn mới”.
Còn ông Ðào Tư, Trưởng Ban Trị sự Salatel xã Khánh Hoà phấn khởi chia sẻ: “Những năm qua, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư lộ làng, rồi các công trình xây dựng cơ bản giúp bà con thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nên bà con cảm thấy hết sức phấn khởi. Có lộ làng sạch đẹp, việc đón lễ của bà con cũng vui vẻ hơn mọi năm, nhất là khi được Nhà nước đầu tư xây dựng salatel thì đời sống tinh thần của bà con được nâng lên đáng kể. Bởi đây là nơi để bà con giao lưu văn hoá trong những dịp lễ, Tết, nhờ vậy mà bản sắc dân tộc tiếp tục được phát huy”.
Vùng đồng bào Khmer Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời – Cà Mau) từng được coi là “cái rốn” của sự khó khăn, nghèo đói. Điểm xuất phát của đa phần đồng bào thường có đời sống rất khó khăn. Ðiều kiện giao thông, phát triển sản xuất, tiếp cận với tri thức khoa học hạn chế…tạo ra muôn vàn sức cản cho sự phát triển.
|
Từng được coi là “cái rốn” của sự khó khăn, từ nguồn vốn Chương trình 135, Cà Mau đã đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời – Cà Mau) khang trang, thông thoát, góp phần tạo nên diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer thêm khởi sắc |
Thực tế, những năm trước đây, giải bài toán đời sống cho người Khmer không hề đơn giản, có chỗ, có lúc gần như lâm vào thế bế tắc, có lúc tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 30% (tiêu chí cũ). Hai ấp Cơi 5A, Cơi 5B tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống nhất xã, với 428 hộ người Khmer với gần 2.000 khẩu, 2/3 số này không đất sản xuất hoặc cầm cố đất đai. Thời điểm Khánh Bình Tây còn hạn chế về giao thông, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, các chính sách cho đồng bào dân tộc còn ít, người Khmer nơi đây từng chỉ mơ làm sao đủ ăn, đủ mặc.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, Lý Thanh Phong thông tin thêm, nhà ở, đất đai sản xuất, vốn làm ăn cũng chỉ có thể giải quyết được phần ngọn của vấn đề, cái chính yếu nhất vẫn là tác động vào nhận thức của bà con. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Khmer cũng đã hiểu ra chân lý.
“Cuộc sống của mình do chính bản thân mình quyết định, không còn sự ỷ lại, không còn sự thụ động trông chờ, người Khmer Khánh Bình Tây dùng chính sức lao động của mình để thay đổi tất cả. Có những hộ từ tay trắng vươn lên thoát nghèo, quay trở lại giúp đỡ những người khó khăn hơn. Số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm phân nửa. Ðiều đáng nói là không khí làm ăn của bà con phấn khởi lắm. Người Khmer ở đây đã xây dựng được làng nghề khô cá bổi, hình thành những cánh đồng đậu xanh, cây màu trên đất ruộng, buôn bán nhỏ, chăn nuôi… Trong thời gian ngắn, vùng nghèo ngày xưa nay đã thay da đổi thịt” – ông Phong nói.
Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện các chính sách đặc thù theo các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Sự quan tâm của Nhà nước cùng với quyết tâm vươn lên cuộc sống của người dân đã làm thay đổi đời sống của đồng bào Khmer Cà Mau.
PHƯƠNG NGHI