Ninh Thuận: Ưu tiên nguồn lực đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) -Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự nỗ lực chung của đại gia đình các dân tộc trong tỉnh kinh tế - xã hội miền núi có bước phát triển đáng kể và tương đối toàn diện trên các mặt.

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

 Kết cấu hạ tầng giao thông huyện Bác Ái được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có có 28 xã; 32 DTTS, với 38.431 hộ/170.566 khẩu, chiếm 23% dân số toàn tỉnh. Riêng huyện Bác Ái thuộc diện huyên nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự nỗ lực chung của đại gia đình các dân tộc trong tỉnh kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi có bước phát triển đáng kể và tương đối toàn diện trên các mặt.

Đặc biệt, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng DTTS và miền núi, toàn tỉnh đã huy động hơn 3.045 tỷ đồng (bình quân 609 tỷ đồng/năm) đầu tư cho 476 hạng mục công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng miền núi. Từ đó, góp phần giải quyết những khó khăn trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; thúc đẩy KT-XH phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi

Đến nay, vùng miền núi được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cấp điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đồng bào DTTS đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 14,46%, bình quân hàng năm giảm 3 - 4%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30,4 triệu đồng cuối năm 2021.

Phát huy các thành quả đạt được, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2506/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, nhằm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.

Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm; đến năm 2030, thu nhập bình quân bằng 1/2 bình quân chung của tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2045, thu nhập bình quân đạt trên 1/2 bình quân chung của tỉnh. Cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân.

 Đến năm 2025, toàn tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian đến tỉnh tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc và các nghị quyết, kết luận, kế hoạch của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới kết hợp với kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người DTTS. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển KT-XH của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng.

Phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

P.C