Ninh Thuận: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

Là NCUT ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải (Ninh Hải), những năm qua, ông Đạo Thanh Tân đã tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, nhân dân trong thôn thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền và vận động bà con đồng bào Chăm mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, ông đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời nhiều vụ việc trong cộng đồng như: Mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn thanh niên; các vụ tranh chấp đất đai, mất trật tự..., không để xảy ra “điểm nóng” góp phần giữ bình yên cho thôn, xóm. Ông Đạo Thanh Tân cho biết: Thôn có 100% các hộ là đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, vì vậy tôi đã phối hợp với các đoàn thể của thôn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp, đồng thời tiếp thu những cái hay, tiến bộ trong văn hóa dân tộc mình. Đến nay, thôn Phước Nhơn 3 đã xóa hết nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12/750 hộ, đạt tỷ lệ 1,6%.

 Ông Pinăng Thiêng, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Bình (Bác Ái) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi da xanh cho đồng bào Raglai ở địa phương.

Hay như ông Đàng Chí Quyết, Trưởng khu phố và Trưởng Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng nghề gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) với uy tín của mình ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào do khu phố phát động. Cụ thể, đã tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất lúa đạt 70-80 tạ/ha, xây dựng hơn 70 m đường bê tông nội thị trấn, xây dựng tường rào nghĩa trang, làm mái vòm đền Po Klong Chanh và trồng 150 cây xanh dọc các tuyến đường trong khu phố, chấm dứt tình trạng nuôi heo thả rong trong khu dân cư; thành lập Ban du lịch cộng đồng dựa vào di sản hoạt động tại Nhà sinh hoạt cộng đồng chăm Bàu Trúc nhằm quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông đã cùng với các vị chức sắc, các nghệ nhân trong khu phố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng gốm Bàu Trúc; truyền đạt, hướng dẫn thế hệ trẻ sử dụng nhạc cụ của dân tộc Chăm, quy trình làm gốm đặc trưng của làng Bàu Trúc. Ông Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Thông qua công tác xã hội hóa, ông Đàng Chí Quyết đã vận động nhân dân địa phương và con em đồng bào Chăm thành đạt tích cực ủng hộ kinh phí và công lao động cùng chính quyền và cơ quan chức năng tu sửa, xây dựng hạ tầng các làng nghề, vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động lễ hội. Qua đó, làm cho đời sống của đồng bào Chăm tại địa phương những năm gần đây ngày càng khởi sắc hơn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 28 xã vùng đồng bào dân tộc, 32 DTTS, với 38.431 hộ/170.566 khẩu, chiếm 23% dân số toàn tỉnh. NCUT được các địa phương bình chọn trong các chức sắc, già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, khu phố... Toàn tỉnh hiện có 124 NCUT, tuy có trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi, tôn giáo khác nhau nhưng đều là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống. NCUT thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc.

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong thời gian qua, NCUT là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi, bài trừ những hủ tục lạc hậu; truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vùng đồng bào DTTS đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, dự án đang trong quá trình triển khai, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, có một phần đóng góp, sự phối hợp rất nhịp nhàng của đội ngũ NCUT trong đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tuấn Anh