Những thôn, bản giàu đẹp nhờ làm dân vận khéo

(Mặt trận) -Cùng với các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa dành cho vùng miền núi dân tộc, thì “luồng gió” Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thổi đến đã làm thay đổi diện mạo nhiều thôn, bản và đời sống người dân từng bước được nâng lên. Đóng góp vào thành quả đó có vai trò quan trọng của công tác dân vận. Thông qua các mô hình dân vận khéo đã khơi dậy sức dân trong xây dựng thôn, bản giàu đẹp.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Diện mạo khang trang của bản Hang – bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã Phú Lệ (Quan Hóa).

Ngược thượng nguồn sông Mã vào bản Chăm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), chúng tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của một vùng quê miền núi cao. Giữa màu xanh của núi rừng, các công trình trường học, trạm y tế, công sở xã, nhà văn hóa bản... hiện lên khang trang. Tất cả như minh chứng rằng, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây đã được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi được hỏi về sự đổi thay của bản, ông Hà Văn Huyến, trưởng ban công tác mặt trận bản Chăm không giấu được niềm vui: “Bản Chăm có xuất phát điểm thấp nên thiếu thốn trăm bề, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, sinh hoạt của bà con. Xác định XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Chi bộ bản Chăm luôn lấy dân vận khéo làm phương thức khơi dậy nguồn lực to lớn trong Nhân dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình dân sinh”. Nghe theo lời tuyên truyền, vận động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân bản Chăm đã tự nguyện hiến 5.000m2 đất và 1.350 cây trồng lâm nghiệp để mở rộng, bê tông hóa 5 tuyến đường giao thông nội bản, với chiều dài hơn 2,2 km. Không những vậy, bà con dân bản còn đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường vào khu sản xuất, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng các công trình nước sinh hoạt, lò đốt rác gia đình, sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng... “Nhờ sức dân, bản Chăm không còn đường đất. Nhờ sức dân, bản Chăm đang từng ngày trở nên giàu đẹp văn minh” - ông Huyến chia sẻ với chúng tôi.

Xuôi về huyện Cẩm Thủy, chúng tôi trở lại thôn Quý Thanh - một trong những thôn đầu tiên của xã Cẩm Quý “về đích” NTM. Toàn thôn có 190 hộ dân, với 840 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm hơn 89%. Ông Cao Xuân Tuyên, bí thư chi bộ, trưởng thôn Quý Thanh, nhớ lại: “Năm 2014, đảng ủy xã giao nhiệm vụ cho chi bộ thôn là xây dựng Quý Thanh trở thành thôn NTM. Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới, cán bộ, đảng viên trong chi bộ thôn ai nấy đều trăn trở về việc kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nội thôn và giải quyết bài toán thu nhập cho người dân. Với quan điểm người dân là chủ thể trong XDNTM, chi bộ thôn tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền cho bà con Nhân dân hiểu được trách nhiệm của mình, cũng như những lợi ích lâu dài khi quê hương đổi mới. Cùng với việc nêu gương “đi trước, làm trước” của cán bộ, đảng viên, chi bộ thôn còn phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để nói cho dân hiểu”. Hiểu đúng, hiểu sâu về nhiệm vụ XDNTM, Nhân dân thôn Quý Thanh đã đồng thuận “chung tay” cùng với chi bộ thôn làm “việc lớn” là bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường nội thôn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và Nhân dân đóng góp, thôn Quý Thanh đã bê tông hóa 3,7 km đường giao thông, với tổng số tiền là 931,6 triệu đồng. Những con đường đất, nhỏ hẹp, thường lầy lội vào mùa trước đây, giờ đã được thay bằng những con đường bê tông kiên cố, bà con thôn Quý Thanh ai nấy cũng phấn khởi. Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, chi bộ thôn đã và đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đóng góp “sức người, sức của” để xây dựng Quý Thanh sớm “về đích” NTM kiểu mẫu và trở thành vùng quê đáng sống. Song song với việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, chi bộ thôn Quý Thanh còn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Tuyên phấn khởi cho biết: “Sau khi khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng sử dụng đất và tình hình sản xuất của Nhân dân, chi bộ thôn đã họp bàn và thống nhất việc cần phải làm là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình sản xuất mới”. Không quản ngại khó khăn, vất vả, chi bộ, ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể thôn đã phát huy vai trò, vận động Nhân dân chuyển đổi 12,91 ha đất 1 vụ lúa sang trồng mía nguyên liệu. Nghe theo lời cán bộ, Nhân dân trong thôn còn tích cực cải tạo vườn tạp, bố trí lại vườn hộ để xây dựng các mô hình trồng bí xanh, củ đậu, sắn dây, ớt xuất khẩu. Hiện nay, tổng diện tích các mô hình sản xuất mới của thôn là 16,35 ha. Nhờ phát triển sản xuất mà thu nhập bình quân của người dân trong thôn được nâng lên 45 triệu đồng vào cuối năm 2020 và Quý Thanh cũng không còn hộ nghèo.

Rời Quý Thanh, theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi trở lại thôn Đồng Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân). Sau nhiều năm không ghé thăm, vùng quê nghèo Đồng Xuân xưa giờ đã khoác lên mình “tấm áo mới”. Toàn thôn có 101 hộ dân, với 406 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mường cùng sinh sống, đoàn kết gắn bó. Gặp lại chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích, bí thư chi bộ thôn phấn khởi: “Có nằm mơ tôi không nghĩ một ngày Đồng Xuân đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Như Xuân”. Thế rồi bà Bích kể cho chúng tôi nghe về chuyện XDNTM kiểu mẫu ở quê mình. Năm 2020, thôn Đồng Xuân được đảng ủy xã lựa chọn để thí điểm xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, chi bộ thôn tổ chức các hội nghị thôn để Nhân dân được bàn bạc, quyết định những công việc chung của cộng đồng. Như lời bà bí thư chi bộ thôn chia sẻ: “Ở Đồng Xuân không chỉ có chi bộ, ban công tác mặt trận thôn và cán bộ, đảng viên làm dân vận khéo, mà người dân còn vận động nhau cùng đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như các tiêu chí NTM kiểu mẫu khác”. Nhờ dân vận khéo, thôn Đồng Xuân đã huy động được 5,23 tỷ đồng cho XDNTM kiểu mẫu, trong đó Nhân dân đóng góp 2,6 tỷ đồng và hiến hơn 2.000m2 đất. Từ nguồn vốn huy động được, thôn đã đầu tư xây mới nhà văn hóa, đổ bê tông hơn 3 km đường giao thông nội thôn. Từ một vùng quê nghèo, giờ đây thôn Đồng Xuân đã trở nên giàu đẹp. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 69 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của xã.

Đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh sinh sống trải rộng ở 1.551 thôn, bản của 174 xã thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn miền núi. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng khi được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị các địa phương tuyên truyền, vận động, đồng bào luôn đồng thuận hưởng ứng, nghe theo và làm theo. “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và khối đoàn thể chính trị các địa phương khu vực miền núi trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, nhất là phong trào thi đua dân vận khéo trong XDNTM. Nhờ vậy, hiện nay ở khu vực miền núi trong tỉnh đã có 715 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Đồng thời, cũng có nhiều thôn, bản NTM kiểu mẫu và trở thành những vùng quê giàu đẹp, đáng sống.

Trần Thanh