Những người giữ “nhịp sống” bản làng

(Mặt trận) -Nhận thấy các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã “bám rễ” lâu đời trong cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số nên tỉnh Hà Giang xác định việc bài trừ và cải tiến cần thực hiện bền bỉ. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kiên quyết, kiên trì tuyên truyền, vận động thì đội ngũ già làng, người có uy tín, nghệ nhân dân gian được xem là những người giữ “nhịp sống” cho bản làng, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân để xây dựng văn hóa và con người Hà Giang đậm đà bản sắc.

Bình Thuận: Chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lục Yên thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025

Phú Thọ: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Hà Giang xác định già làng, người có uy tín trong cộng đồng, các nghệ nhân dân gian là lực lượng quần chúng đặc biệt và phát huy vai trò đội ngũ này trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội với nhân dân, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới.

 Các nghệ nhân thực hiện phần nghi lễ trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mèo Vạc.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang Vàng Seo Cón cho biết: Để đội ngũ già làng, người có uy tín thực sự là những người giữ “nhịp sống” cho bản làng, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn chủ động gặp mặt để lắng nghe, trao đổi, bàn các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục; động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò, khả năng để đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong đời sống sinh hoạt.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là những già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng dòng họ, cán bộ hưu trí hoặc là những thầy mo, thầy cúng, người sản xuất, kinh doanh giỏi… Mỗi người có mức độ ảnh hưởng khác nhau, có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng; bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở cơ sở xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Ông Ly Mí Ná, dân tộc Mông, trưởng dòng họ Ly, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) là người có “tiếng nói” trong cộng đồng dân cư, được mọi người trong thôn nghe và làm theo. Ở cái tuổi “cổ lai hy”, sinh ra và lớn lên ở vùng đá khát, ngẩng mặt thấy núi, cúi đầu thấy vực sâu nên ông hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông. Ông Ná chia sẻ: “Bà con trong thôn hầu hết hiền lành, chịu khó nhưng nhiều hủ tục còn duy trì dẫn đến đời sống khó khăn. Mong muốn đời sống của người dân bớt khổ nên tôi đã tuyên truyền, vận động để các hộ đồng tình ủng hộ việc xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Đến nay, nếp sống văn minh đang dần được hình thành; một số hủ tục như mổ nhiều gia súc khi làm đám tang hay tổ chức đám tang dài ngày đã được giảm bớt; bà con vui mừng khi cuộc sống ấm no hơn”.

 Các nghệ nhân thực hiện nghi lễ cúng Bàn vương của người dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì.
Giống như ông Ly Mí Ná, trên địa bàn tỉnh không thể kể hết những người được ví như “nhạc trưởng” giữ “nhịp sống” cho đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu như ông Tải Sào Sơn, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì); ông Phạm Ngọc Duyên, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nà Trang, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ); ông Giàng Mí Sò, dân tộc Mông, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Pù Chừ Lủng, xã Sủng Là (Đồng Văn); ông Nùng Thanh Lương, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian thôn Nà Hu, xã Tả Nhìu (Xín Mần); ông Sèn Văn Tu, dân tộc Pà Thẻn, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xa Tân Bắc (Quang Bình); ông Phàn Thanh Quang, dân tộc Dao, thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang); ông Long Thanh Sơn, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ, thôn Nà Xá, xã Yên Định (Bắc Mê)…

Với sự tích cực vào cuộc của già làng, người có uy tín; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị cùng với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành đã tạo đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong lễ tang, các thủ tục được gộp lại để giảm bớt chi phí cho gia chủ; việc đi lễ, trả lễ tốn kém, lãng phí, tổ chức đám tang nhiều ngày, trả lễ bằng trâu bò, lợn để cúng viếng người đã khuất gây tốn kém đã được chuyển sang hình thức khác phù hợp; lễ cưới giảm những chi phí không thích hợp, không thách cưới cao, không tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mặt khác, nhân dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh, làm chuồng trại xa nhà, làm nhà tiêu hợp vệ sinh…

Hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, phát huy vai trò, của người có uy tín trong vận động nhân dân cải tiến, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; cung cấp thông tin cho người có uy tín, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết để họ thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nay đã dần thay đổi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, hạn chế trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra “điểm nóng”, người dân không bị kẻ xấu xúi giục, lợi dụng... cho thấy đóng góp quan trọng của đội ngũ già làng, người có uy tín trong việc đẩy lùi phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần gỡ rào cản phát triển KT – XH ở cơ sở, mang đến ấm no cho đồng bào biên cương cực Bắc.

 KIM TIẾN