Bình Thuận: Chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các ngành, địa phương tỉnh Bình Thuận đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các dự án của chương trình với mục tiêu chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân…

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Từ hỗ trợ xây dựng nhà ở

Ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai trong 10 năm, bắt đầu năm 2021 và kết thúc năm 2030, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 2021 – 2025, giai đoạn 2: 2026 – 2030), mỗi giai đoạn đều xác định phương thức, nội dung triển khai. Trong giai đoạn 1 sẽ tập trung triển khai 10 dự án thành phần, bao trùm tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

 Thu hoạch lúa nước ở Đông Tiến, Hàm Thuận Bắc (ảnh N. Lân).

Riêng đối với dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) cho hộ đồng bào DTTS nghèo đang được tỉnh thực hiện với quyết tâm cao, bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng. Để đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo và xây dựng quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh cũng thành lập, kiện toàn tổ công tác và ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Thực hiện dự án 1, từ năm 2022 đến năm 2024, vốn ngân sách đã bố trí cho các địa phương gần 40 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 25,2 tỷ đồng (đạt 63,3%). Quá trình đó, đã hỗ trợ đất sản xuất cho 1 hộ, đất ở cho 56 hộ, nhà ở cho 326 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 970 hộ bằng hình thức mua trâu, bò, dê, mua máy may công nghiệp, máy bơm nước... Ngoài ra, còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 165 hộ; đầu tư, nâng cấp 6 công trình nước sinh hoạt.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho hay, nhu cầu được hỗ trợ đất sản xuất đối với bà con rất lớn, nhưng hiện chỉ mới có 1 hộ (ở Tuy Phong) được hỗ trợ đất sản xuất vì quỹ đất sản xuất ở các địa phương nay đã không còn. Theo hướng dẫn của Trung ương, trường hợp không được hỗ trợ đất sản xuất sẽ chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề. Dự kiến đến cuối năm nay có 70 hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở 412 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.191 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 245 hộ; đầu tư, nâng cấp 8 công trình nước sinh hoạt.

Đến nâng cao đời sống bà con

Được biết, bên cạnh vốn ngân sách của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, các đối tượng thụ hưởng dự án 1 còn được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi. Qua số liệu thống kê từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, giai đoạn 2022 – 2024 đã giải ngân trên 55,8 tỷ đồng cho 776 hộ nghèo vùng DTTS vay để sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà ở. Cụ thể, cho 160 hộ vay hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng, các hộ được vay mức tối đa 40 triệu đồng; cho 614 hộ vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay trên 80 triệu đồng để trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các địa phương còn huy động vốn từ quỹ vì người nghèo của địa phương để hỗ trợ thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với việc hỗ trợ sinh kế cho bà con vùng đồng bào DTTS thì tỉnh Bình Thuận cũng đang tập trung triển khai dự án về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Dự án được triển khai nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách đã bố trí thực hiện dự án này là 42,2 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tánh Linh. 4 dự án khu dân cư đang được đầu tư, triển khai là Nách Nai và Trũng Bí (xã Đông Tiến, Hàm Thuận Bắc), Tân Thành (thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh) và thôn 1 (xã Măng Tố, Tánh Linh). Theo đó, khu dân cư Nách Nai có diện tích san nền khoảng 5.800 m2. Khu dân cư Trũng Bí có diện tích san nền 5.050 m2, sẽ được đầu tư đường giao thông (chiều dài tuyến khoảng 1.025 m, chiều rộng mặt đường 5,5 m bằng bê tông xi măng, chiều rộng nền đường là 6,5 m, lắp đặt hệ thống an toàn giao thông, bố trí hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng; nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư trên 10,7 tỷ đồng. Hiện nay, 2 khu dân cư này đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp và bàn giao mặt bằng thi công.

Dự án mở rộng khu dân cư Tân Thành được đầu tư 8 tuyến đường, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.570 m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng, chiều rộng mặt đường từ 3 - 5 m, có hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư trên 18,6 tỷ đồng, hiện thi công cơ bản hoàn thành. Đối với dự án mở rộng khu dân cư thôn 1, xã Măng Tố cũng được đầu tư 8 tuyến đường, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.199 m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng, chiều rộng mặt đường từ 3 - 4 m, có hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng, nay đã thi công cơ bản hoàn thành.

TẤN THÀNH