Những “đầu tàu” ở vùng biên giới Gia Lai

(Mặt trận) -Nhiều năm qua, những người có uy tín, già làng, trưởng thôn là cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân. Họ đã phát huy tối đa vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ những tập tục lạc hậu để đưa thôn, làng phát triển hơn, đồng thời, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Già làng Siu Deo chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn giữ vững chủ quyền vùng biên (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thùy Dung

Đức Cơ là một huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, nhiều năm qua, các già làng, người có uy tín, trưởng thôn đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Già làng Siu Deo, người Jrai (thôn Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, cột mốc.

Già làng Siu Deo cho biết: Ia Dom là xã biên giới đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn thấp, đặc biệt là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhận thức về pháp luật của bà con còn hạn chế. Lợi dụng điều này, các thế lực phản động thường xuyên lôi kéo, kích động người dân vượt biên trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng như chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

“Trước tình hình đó, tôi cùng bộ máy chính trị cơ sở đã phối hợp với các xã biên giới để tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm các quy chế biên giới, tham gia bảo vệ các cột mốc biên giới, đồng thời bảo vệ và giữ rừng biên giới. Vận động người dân không vượt biên, chống phá Nhà nước và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Từ năm 2018 đến 2020, tôi đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, cán bộ MTTQ tham gia tổ chức 37 buổi tuyên truyền, vận động bà con tại các thôn, làng tham gia bảo vệ khu vực biên giới với hàng nghìn lượt người tham dự; tổ chức vận động 15 trường hợp từ bỏ hành vi lấn chiếm đất làm rẫy tại các khu vực biên giới không cho phép”- già làng Siu Deo kể.

Còn ở huyện vùng biên Chư Prông có rất nhiều tấm gương sáng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ vững chủ quyền vùng biên, thay đổi nếp nghĩ cách làm, đẩy lùi các tập tục lạc hậu để vươn lên phát triển kinh tế. Tiêu biểu là nhiều tấm gương phụ nữ như bà Ksor H,Blâm (xã Ia Mơr), bà Siu H,Phin (Ia Púch)...

Già làng Ksor H,Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr), sinh năm 1945, nguyên là cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời bà gắn liền với cách mạng, buôn làng. Năm 1998, bà được bầu làm già làng và hơn 20 năm nay, bà đã từng bước dìu dắt dân làng bước ra khỏi hủ tục, giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng...

Đồng thời, bà cũng phối hợp với BĐBP để bảo vệ chủ quyền vùng biên và nuôi dưỡng những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. “Ia Mơr là xã biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu còn tồn tại, các đối tượng xấu thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của dân làng để truyền bá, lôi kéo người DTTS vượt biên trái phép gây mất ổn định an ninh, trật tự...

Để giúp người dân nâng cao nhận thức, tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, không nghe lời các đối tượng xấu xúi giục để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...”- già làng Ksor H,Blâm cho biết.

Ở xã biên giới Ia Púch, bà Siu H,Phin (làng Goòng, xã Ia Púch) cũng là một tấm gương nữ già làng tiêu biểu. Bà không chỉ giúp người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, mà còn là cầu nối của các cấp chính quyền trong công tác vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật hay xuất nhập cảnh trái phép.

Bà Siu H,Phin chia sẻ: “Dân làng mình cả tin nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, vì vậy, mình thường xuyên cùng cán bộ địa phương và cán bộ BĐBP đến tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định của địa phương, đồng thời, chăm lo làm ăn, sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

 Già làng Siu H’Phin (giữa) là cầu nối của chính quyền với người dân làng Goòng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thùy Dung

Tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, có 43 DTTS chiếm 46,23%. Năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có 995 người có uy tín. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền trên địa bàn tỉnh, vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn... ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, bộ mặt thôn, làng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao, các hoạt động văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

Thời gian qua, để động viên người có uy tín, già làng, trưởng thôn... các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, động viên những người có uy tín tiêu biểu thông qua nhiều hình thức như gặp mặt, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ về tinh thần, vật chất khi người có uy tín gặp khó khăn, tổ chức biểu dương, khen thưởng những người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực đời sống xã hội, quốc phòng-an ninh và giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán tại địa phương.

Cũng nhờ những người có uy tín, già làng, trưởng thôn - những “đầu tàu” ở vùng biên giới này đã góp phần giúp bộ mặt thôn làng ngày một đổi thay, đời sống của đồng bào ngày càng phát triển.

Thùy Dung