Nhiều mô hình giúp người dân tộc ở K'bang phát triển kinh tế gia đình

(Mặt trận) -Thực hiện Cuộc vận động "thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững", huyện K'bang (Gia Lai) đã xây dựng 103 mô hình giảm nghèo.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Gia đình anh Đinh HMit, làng Lợk, xã Nghĩa An, huyện K'bang đang từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Thực hiện Cuộc vận động "thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững", huyện K'bang (Gia Lai) đã xây dựng 103 mô hình giảm nghèo tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình này đều mang lại hiệu quả, góp phần giúp đồng bào dân tộc nơi đây có cuộc sống ấm no.

Tại xã Đông (huyện K'bang), thực hiện mô hình vận động nhân dân xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới, tất cả đường nội làng đều được thắp sáng (do người dân đóng góp). Đồng thời, người dân còn chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, dọn vệ sinh hàng tuần. Mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ma chay tại làng đồng bào dân tộc thiểu số” có 46 hộ đăng ký tham gia.

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, bà con trong làng đã nâng cao ý thức, thay đổi trong việc ma chay, hạn chế cúng rượu, trứng, thay vào đó là tiền và gạo. Mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm làng đồng bào dân tộc thiểu số trong thay đổi nghề, tăng thu nhập” có 39 người tham gia. Qua đó, người dân nơi đây đã chuyển đổi nghề sang làm công nhân nuôi heo, công nhân cạo mủ cao su cho thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.

Điển hình, mô hình "Thay đổi trong phát triển sản xuất, chăn nuôi" có 47 hộ tham gia (trong đó có 19 hộ nghèo). Các hộ chủ động tham gia các lớp khuyến nông, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, dạng vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay đã có 14 hộ thoát nghèo.

Chị Đinh Lay (làng Tờ Mật, xã Đông, huyện K'bang) cho hay, trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo. Năm 2018, chị được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thay đổi phương thức sản xuất trên cùng một diện tích đất. Từ nhiều nguồn kinh phí, gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ một con bò. Sau đó, chị gây dựng thêm đàn dê thịt bán luân phiên.

Ngoài ra, gia đình chị còn được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 7 sào đất trồng cây keo. Chị mua thêm 4 sào đất trồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Nhờ áp dụng kiến thức nuôi trồng được học, năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống khá hơn.

Chính quyền huyện K'bang đã huy động nguồn lực từ chương trình của các đoàn thể, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; phối hợp vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các mô hình, cuộc vận động, phong trào thi đua.
Ông Đinh Văn Hanh (làng Tờ Mật) đang sở hữu mô hình vườn ao chuồng với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Hanh cho biết, trước đây, gia đình ông rất khó khăn, có đất nhưng không biết cách sản xuất, chỉ trồng sắn cho thu nhập thấp nên cái nghèo đeo đẳng suốt nhiều năm. Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi do địa phương tổ chức và được hỗ trợ 1 con bò giống, gia đình ông đã gây dựng được một đàn bò hơn 10 con.

Ông đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách để đầu tư 240 gốc vải thiều, trồng xen mắc ca. Diện tích đất trồng sắn trước đây cũng được ông chuyển sang trồng mía. Ông đã mua thêm đất, trồng 1,5 ha cà phê, đào ao thả cá và lấy nước tưới cây trồng. Sau 3 năm thực hiện mô hình vườn ao chuồng, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã.

Gia đình anh Đinh HMit (làng Lợk, xã Nghĩa An) cũng đang từng bước vươn lên thoát nghèo. Anh HMit kể, 5 năm trước, anh lấy vợ và tách ra ở riêng. Bố mẹ cho đất nhưng vợ chồng anh không biết cách phát triển kinh tế nên nghèo túng quanh năm. Được UBND xã vận động, hai vợ chồng tham gia các lớp tập huấn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Sau đó, chính quyền đã hỗ trợ gia đình anh 50 cây dừa.

Đến nay, những cây dừa đã phát triển xanh tốt và cho trái thu hoạch khá. Thông qua các chương trình giảm nghèo, vợ chồng anh còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh khấm khá dần. Anh phấn đấu năm sau sẽ thoát nghèo.

Theo ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện K'bang, các cuộc vận động đã góp phần xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ, các quy ước, hương ước, kỷ cương pháp luật, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, giúp xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn hóa mới trong nhân dân. Các cuộc vận động cũng phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua khác đã lan tỏa, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của huyện K'bang.

Ông Đinh Văn Hải nhận định, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; chuyển đổi giống mới cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ nông sản, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Một số hộ đã biết tận dụng chính sách giúp đỡ hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã có của ăn của để, chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà tạm, làm công trình phụ, chăn nuôi có chuồng trại; chủ động xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường.../.

H.Đ