Nhân rộng và phát huy hiệu quả các Tổ tự quản bảo vệ môi trường ở huyện Chư Sê

(Mặt trận) -Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, nhưng các Tổ tự quản bảo vệ môi trường (BVMT) ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã và đang phát huy những hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi thói quen và nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đối với công tác bảo vệ môi trường tại các thôn, làng.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Phát huy tính cộng đồng

Để phát huy tính cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, từ cuối năm 2020 đến nay, các xã trên địa bàn huyện Chư Sê đã thành lập “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại các thôn, làng trên địa bàn. Thành viên Tổ tự quản BVMT gồm toàn bộ hệ thống chính trị trong thôn, làng như: già làng, trưởng thôn, MTTQ và các hội, đoàn thể để phát huy tinh thần gương mẫu và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngay khi thành lập, Tổ tự quản BVMT làng Le Ngol (xã Ia Tiêm, Chư Sê) đã phối hợp cùng cấp hội phụ nữ tuyên truyền bà con dân làng thực hiên mô hình “con đường hoa”, “hàng rào xanh”. Nhờ vậy, làng Le Ngol hôm nay là những tuyến đường bàn cờ xanh mát, sạch sẽ, rực rỡ sắc hoa.

 Những con đường hoa rực rỡ, thông thoáng nhờ công trồng và chăm sóc của bà con DTTS.

Ông Rah Lan Mur - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ tự quản BVMT làng Le Ngol cho biết: Để có được sự thay đổi này, tổ đã tổ chức nhiều buổi họp dân, tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng hoa, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Trong các buổi họp thôn, làng, tổ cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức cho bà con đồng bào DTTS.

“Đến nay, tổ tự quản BVMT làng Le Ngol đã hoạt động ổn định. Bà con trong làng đã thay đổi nhận thức và tạo thói quen cử thành viên trong gia đình cùng với tổ tự quản tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng vào ngày 15 hàng tháng. Bà con cũng tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, đường hoa. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm, sân vườn luôn luôn sạch sẽ và đẹp mắt”, ông Mur phấn khởi nói.

Tương tự, tổ tự quản BVMT ở làng Thoong Nha (xã Bờ Ngoong, Chư Sê) cũng từng bước nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường cho bà con DTTS trong làng. Bà Đinh H’Rơih (làng Thoong Nha) chia sẻ: “Các hoạt động do Tổ tự quản triển khai góp phần tạo ra môi trường sống xanh-sạch-đẹp, nâng cao sức khỏe cho người dân. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia”.

 Ra mắt mô hình Tổ tự quản BVMT làng Le Ngol.

Ông Lê Duy Khương - Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong cho biết: Vào các buổi giao ban hàng tháng, UBND xã đôn đốc, hướng dẫn các thành viên Tổ tự quản cách thức tuyên truyền, vận động; đồng thời, phối hợp với Phòng TN&MT huyện Chư sê kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động để có hướng dẫn phù hợp.

“Tổ tự quản BVMT làng Thoong Nha cũng rất linh động trong việc giao trách nhiệm tuyên truyền từng nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Do đó, hiệu quả tuyên truyền cao, tạo được nền nếp và thói quen tham gia giữ gìn môi trường cho bà con DTTS trong làng”, ông Khương nói.

Nhân rộng để nâng cao hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Hà - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Sê thông tin: Việc thành lập các tổ tự quản BVMT nhằm góp phần thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 11 tổ tự quản BVMT tại các thôn, làng, mỗi tổ gồm 5-7 thành viên.

Các tổ có nhiệm vụ huy động người dân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; trồng cây xanh; con đường hoa, thu gom và xử lý rác thải; kiểm tra, đôn đốc các hộ dân thực hiện hương ước hoặc bản cam kết BVMT và thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhằm giúp các tổ hoạt động hiệu quả, Phòng TN&MT đã đề xuất UBND huyện Chư Sê trang bị cho mỗi tổ 03 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 01 bể đựng rác thải sinh hoạt và hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình “con đường hoa”, “hàng rào xanh”.

 Thùng chứa chất thải nguy hại đặt tại làng Le Ngol.

Để nâng cao hiệu quả BVMT, một số thôn, làng còn lắp đặt bảng tuyên truyền người dân không đổ rác bừa bãi, vận động bà con DTTS tự đào hố rác, tái sử dụng rác thải hữu cơ. Ông Phạm Xuân Vịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm cho hay, ngoài thùng rác được huyện hỗ trợ, xã Ia Tiêm cũng huy động các lực lượng đoàn thể trong xã làm các thùng rác tự chế bằng thùng phuy và tặng cho một số hộ gia đình khó khăn trong làng. Lấy đó để các hộ khác học hỏi, làm theo.

Theo bà Hà, phòng TN&MT đã hướng dẫn các làng chọn các thành viên tổ tự quản là hạt nhân uy tín nhằm tạo thuận lợi trong tuyên truyền, vận động; thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ thực hiện nhiệm vụ, nhất là hỗ trợ nội dung tuyên truyền về BVMT.

“Các tổ đi vào hoạt động đã góp phần làm cho khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS xanh-sạch-đẹp hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá kết quả mô hình để có hướng nhân rộng, nhằm lan tỏa phong trào tự quản BVMT ở cơ sở”, bà Phùng Thị Hà nhận định.

Quế Mai