Người uy tín “Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã trở thành “điểm tựa” trong cộng đồng luôn tích cực nêu gương, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ông Nguyễn Văn Xuân (bên trái) - người có uy tín ở khu Thung Bằng, xã Hưng Long hướng dẫn người dân treo cờ Tổ quốc vào những ngày lễ trọng của đất nước.

Huyện miền núi Yên Lập có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 80% tổng dân số. Toàn huyện hiện có 173 người có uy tín là Bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, cán bộ nghỉ hưu, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng, chức sắc tôn giáo... Họ là những người được cộng đồng tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp nhân dân tin tưởng và làm theo. Tiêu biểu phải kể đến ông Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1949 ở khu Thung Bằng, xã Hưng Long- người tâm huyết, tích cực góp sức cùng chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Sau 15 năm phục vụ trong quân ngũ, khi trở về địa phương mặc dù mất sức lao động 61%, nhưng bệnh binh Nguyễn Văn Xuân vẫn nhiệt tình, trách nhiệm tham gia ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, cộng đồng. Bảy năm được bà con tin tưởng bầu chọn là người có uy tín, ông Xuân đã tích cực tuyên truyền vận động 30 hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Ông thường xuyên nhắc nhở người dân, nhất là các hộ kinh doanh xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định nhằm giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng sáng, xanh, sạch đẹp. Ông Xuân chia sẻ: “Xác định là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, nên mọi vấn đề phát sinh trong khu dân cư, tôi phải có trách nhiệm phân tích, giảng giải trên tinh thần khách quan để người dân dễ hiểu và thực hiện đúng. Có như thế mới gắn kết 240 gia đình trong khu cùng chung tay xây dựng khu dân cư văn hoá, đoàn kết, phát triển”.

Không chỉ có ông Xuân, ở huyện Yên Lập, những người có uy tín từ lâu đã trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện tuyên tuyền, vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ cũng là những người tiên phong hiến đất và vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã. Những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, môi trường nông thôn xanh mát… trong thành tích về đích nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện không thể không nhắc đến những đóng góp của người có uy tín.

Nhằm tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò, đồng chí Hà Đức Tuấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Lập cho biết: “Việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được huyện quan tâm và kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của người có uy tín trong cộng đồng”. Năm 2022, huyện đã tổ chức động viên, thăm hỏi, tặng quà cho 173 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 100% người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức cho gần 30 người uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm; chính sách thăm hỏi động viên người có uy tín ốm đau và thân nhân người uy tín qua đời đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm qua, gần 9.000 cuốn sách, báo được cấp phát đến tận tay người có uy tín. Phòng Dân tộc huyện còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức sáu lớp bồi dưỡng kiến thức cho trên 500 lượt người uy tín tham gia. Đây là nguồn động viên to lớn để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, tích cực, trách nhiệm đối với cộng đồng và có nhiều đóng góp hơn nữa nhằm xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương vững mạnh, thực hiện tốt công tác dân tộc và tăng cường đại đoàn kết toàn dân.

Hồng Nhung