Người “truyền lửa” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng mà còn tiên phong trong phát triển kinh tế, những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là những người “truyền lửa” để người dân địa phương có thêm động lực hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

 Ông Lê Ngọc Giáp bên con đường được mở rộng nhờ một phần diện tích đất hiến tặng của gia đình.

Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa hiện có 101 người có uy tín thuộc các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Dao... Phần lớn họ là những người cao tuổi và gương mẫu trong các phong trào, có sức ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân. Mỗi một người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc. Họ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Gần 10 năm được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lê Ngọc Giáp, sinh năm 1956, dân tộc Thổ tại thôn Cát Lợi, xã Cát Tân là người có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Từng có nhiều năm làm lãnh đạo xã, ông Giáp mang uy tín và sự hiểu biết của mình để tuyên truyền, vận động người dân trong xã gạt bỏ mọi hủ tục, giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng mình, ông trực tiếp hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn xóm. Qua những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những bài vè, điệu múa được ông kêu gọi mọi người giữ gìn, truyền đạt lại cho lớp trẻ để nét đẹp truyền thống của dân tộc mình không bị mai một giữa đời sống hiện đại.

Mở đầu câu chuyện, ông Giáp nói với chúng tôi: “Gia đình tôi là người dân tộc Thổ, sinh sống nhiều thế hệ tại địa phương. Từ thuở bé, tôi đã được các bậc lão niên truyền cho những kiến thức cơ bản về văn hóa của dân tộc mình thông qua những nghi lễ, trang phục, điệu hát. Ngày nay, lớp con cháu rời quê đi xa nhiều cũng như học hỏi nhiều lối sống hiện đại từ khắp mọi nơi nhưng những người cao tuổi như chúng tôi vẫn cố gắng truyền đạt lại tất cả các nghi lễ, tập quán của dân tộc mình cho lớp trẻ. Qua các buổi sinh hoạt thôn, làng hay dịp liên hoan văn hóa văn nghệ, các buổi lễ hội, hầu hết từ người già đến lớp trẻ đều rất say mê, hào hứng và thông thạo các tiết mục văn nghệ, các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn như: Hát đốm, hát ru, múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn...”.

Bên cạnh việc giữ gìn những giá trị truyền thống, ông Giáp còn giữ một vai trò quan trọng trong các công tác xã hội, vận động người dân xóa bỏ dần các hủ tục, xây dựng nếp sống mới. Chính vì vậy, tình trạng bạo hành gia đình, trọng nam, khinh nữ tại địa phương đã được xóa bỏ. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Giáp là người trực tiếp giải thích cặn kẽ để người dân hiểu về lợi ích và ý nghĩa của chương trình này, từ đó vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công để chung tay làm đường giao thông nông thôn. Bản thân gia đình ông đã tiên phong trong việc hiến gần 100 m2 đất ở để mở rộng con đường liên thôn mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Dẫn chúng tôi đến con đường bê tông thông thoáng ngay phía bên hông nhà, ông Giáp vui vẻ nói: Con đường này trước đây là đường đất lầy lội, rất hẹp và khuất tầm nhìn nên người dân đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ khi bà con nơi đây ủng hộ hiến đất, con đường kéo dài gần 2 km này trở nên rộng rãi, khô ráo và sạch sẽ hơn, rất thuận tiện cho việc đi lại. Người dân thôn xóm đồng lòng đoàn kết ủng hộ các chính sách của Đảng và Nhà nước nên giờ đây, mọi tuyến đường từ các con ngõ nhỏ cho đến các đường liên thôn, liên xã đều trở nên rộng thoáng, sạch đẹp.

Nhận xét về công dân tiêu biểu của xã mình, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết: Xã Cát Tân có 65% là người dân tộc Thổ. Ông Lê Ngọc Giáp được xem là tấm gương sáng, có uy tín cao trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, ông đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, tích cực góp phần tạo nên những chuyển biến trong nhận thức của nhân dân để hướng tới sự phát triển chung của địa phương.

Với những đóng góp không nhỏ đối với cộng đồng, với chính quyền địa phương, trong nhiều năm liền, ông Lê Ngọc Giáp đã được UBND xã Cát Tân, UBND huyện Như Xuân, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tuyên dương và tặng giấy khen. Năm 2017, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thu Hà