Người lưu giữ giá trị văn hóa Mường

(Mặt trận) -Người Mường ở Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu cho phong tục tập quán. Nhiều hiện vật chứa đựng trong đó những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện được bản sắc của dân tộc, vùng miền.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Bà Quách Thị Hồng Nguyệt đang giới thiệu với ông Nguyễn Đăng Dung, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Lập (xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) về những chiếc gối và trang phục do bà lưu giữ.

Hơn 30 năm định cư ở vùng đất mới, cùng với phát triển kinh tế, bà Quách Thị Hồng Nguyệt (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán) còn lưu giữ, trưng bày tại nhà nhiều hiện vật gồm: gốm sứ, đồ văn hóa tâm linh và các sản phẩm văn hóa truyền thống… Các hiện vật tuy đơn giản nhưng thể hiện giá trị và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của đồng bào Mường.

* Nặng lòng với… di sản

Ngôi nhà nhỏ của bà Quách Thị Hồng Nguyệt nằm khuất sâu trong một hẻm nhỏ ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc. Trong nhà bà, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài những hiện vật truyền thống mà bà lưu giữ suốt 30 năm qua và những tấm giấy khen của ngành Văn hóa trao tặng được bà treo trên các bức tường. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn những chiếc gối rực rỡ được tạo khối hình vuông, bà Nguyệt cho biết 5 cặp gối đó là các sản phẩm do mẹ bà tự tay làm. Cái to, cái nhỏ và nhiều màu sắc.

Nói đoạn, bà Nguyệt lấy chiếu trải trên nền nhà, sắp xếp những chiếc gối, chăn (mền), các bộ trang phục của đồng bào Mường và các đồ văn hóa tâm linh theo thứ tự. Bà Nguyệt kể, trước đây, những chiếc gối hoa và mền đắp được người Mường sử dụng làm của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng. Gối có hình khối chữ nhật, 2 đầu hình vuông, bề mặt gối được trang trí bằng vải hoa với nhiều họa tiết. Điểm nhấn của gối Mường là ở chỗ người thợ tạo hình ở 2 mặt hông gối thông nhau bằng nhiều ô vuông.

“Nhìn chiếc gối có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay làm phải mất hơn một tháng mới hoàn thành. Ngoài gối còn có mền đắp được làm bằng vải thổ cẩm hoặc vải bông do người Mường tự dệt và tạo hình hoa văn trang trí. Các công đoạn làm mền cũng rất vất vả, bởi trước đây người Mường chủ yếu dệt vải và may thủ công. Đây là hai sản phẩm được mẹ tôi tay tự làm để dành tặng cho tôi làm của hồi môn khi lập gia đình. Hiện nay, trong ấp chỉ có nhà tôi và một nhà nữa còn lưu giữ được vài chiếc gối của đồng bào dân tộc” - bà Nguyệt nói.

Cùng với gối, mền, bà Nguyệt còn lưu giữ nhiều trang phục (nam và nữ) và đồ tâm linh của đồng bào Mường. Theo bà, các hiện vật này được sử dụng trong những ngày lễ, tết truyền thống và trong tang ma. Mỗi lần ở ấp, xã có các sinh hoạt truyền thống, bà thường mặc trang phục của dân tộc mình để tham gia. Nhiều liên hoan, hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh bà Nguyệt và người dân ở đây cũng tích cực tham gia, góp vui bằng những bài hát ru, dân ca và những điệu múa đặc trưng của dân tộc mình.  

Hiện bà Nguyệt còn lưu giữ hơn 100 ché rượu cần với đầy đủ các kích thước lớn nhỏ khác nhau. Bà không nhớ rõ những ché rượu của gia đình được bao nhiêu tuổi, chỉ nghe mẹ bà kể lại ché thường được dùng đựng rượu cần trong các lễ hội của đồng bào Mường hoặc khi gia đình tổ chức các sự kiện quan trọng. Các họa tiết trên ché được các nghệ nhân trang trí tỉ mỉ với hoa văn đẹp xung quanh thân và miệng ché. Hiện bà sử dụng các ché này để ủ rượu cần (chủ yếu làm rượu vào mùa xuân), sau đó chiết ra các bình nhỏ để bán cho người dân và du khách gần xa.

* Nhiều trăn trở…

Nghe bà Nguyệt kể chuyện xung quanh những hiện vật, cách làm và cách giữ để chúng luôn mới sau hơn 30 năm, chúng tôi mới cảm nhận được nỗ lực của bà trong bảo tồn các giá trị của dân tộc. Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, hiện nay việc phát huy được nét độc đáo văn hóa đó trong đời sống hiện đại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi người trẻ trong vùng đồng bào ít quan tâm, chủ yếu sinh hoạt theo văn hóa của người Kinh.

Bà Nguyệt cho hay: “Nhiều vật dụng xưa của đồng bào Mường nay đã được thay thế bằng các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Điều này khiến cho văn hóa Mường ngày càng có nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng thời gian tới địa phương sẽ mở những lớp dạy làm các sản phẩm thủ công của đồng bào; dạy đàn và hát ru, hát dân ca cho thanh thiếu niên trong ấp. Từ đó, gìn giữ và phát huy hồn cốt của dân tộc”.

Đã có nhiều cá nhân và đơn vị  sưu tầm đến hỏi mua các hiện vật nhưng bà Nguyệt đều không bán. Đa phần những hiện vật mà bà lưu giữ được đến hôm nay đều là những kỷ vật gắn liền với kỷ niệm của gia đình. Ngoài đóng góp để trưng bày, giới thiệu tại nhà văn hóa dân tộc Mường ở ấp Tân Lập, bà Nguyệt còn tặng một số hiện vật cho các địa chỉ làm công tác bảo tồn văn hóa khi họ đi sưu tầm. Bà cho rằng, đây là cách lưu giữ tốt nhất để giới thiệu truyền thống của dân tộc mình đến với bà con và cộng đồng gần xa.

Nói về bà Nguyệt, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Lập (xã Phú Túc) Nguyễn Đăng Dung cho biết: “Bà Nguyệt là người tiêu biểu ở Phú Túc còn lưu giữ và hiến tặng cho địa phương và các đơn vị nhiều hiện vật của đồng bào Mường. Song song với gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bà Nguyệt còn rất tích cực tham gia hoạt động phong trào ở cơ sở, thường xuyên đưa nghệ thuật hát ru, dân ca của người Mường đến với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh”.

Theo Ly Na – Báo Đồng Nai