Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Gia đình bà Hà Thị Thanh, dân tộc Thái ở thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương đã thoát nghèo nhờ chiếc “cần câu” từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện Như Xuân đã xuất hiện nhiều điểm sáng, một trong số đó là xã Bình Lương. Toàn xã có 728 hộ dân, với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Thổ, Mường, Thái chiếm khoảng 51%. Những năm về trước, đời sống Nhân dân xã Bình Lương còn bộn bề khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa về giảm nghèo đi vào thực tiễn thì đời sống người dân địa phương từng bước được nâng lên. Dự kiến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Lương đạt gần 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 3,33%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,75%. Đồng chí Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Để công tác giảm nghèo ở Bình Lương thực chất và hiệu quả, hàng năm, xã thực hiện rà soát, nắm bắt hoàn cảnh của từng hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở rà soát, xã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các thôn và phân công cán bộ, công chức cùng các tổ chức đoàn thể phụ trách từng thôn để giúp đỡ, hướng dẫn các hộ dân phát triển sản xuất, làm ăn hiệu quả, sớm vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, xã triển khai hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đến với hộ nghèo. Năm 2023, trên địa bàn xã Bình Lương có 21 hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Hiện nay, xã đang triển khai việc rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo để triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2024".

Trước năm 2022, gia đình bà Hà Thị Thanh, dân tộc Thái ở thôn Thắng Lộc thuộc diện hộ nghèo của xã Bình Lương. Kinh tế khó khăn nên gia đình bà không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra thu nhập ổn định. Khi chính quyền xã triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, gia đình bà được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Như nhiều hộ nghèo trong xã, từ “cần câu” mà Nhà nước trao, gia đình bà Thanh đã tạo sinh kế lâu dài, có vốn đầu tư trồng hơn 2ha keo. Giữa năm 2023, gia đình bà đã khai thác 1ha keo, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 70 triệu đồng. Mừng hơn, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị địa phương còn chung tay hỗ trợ gia đình bà sửa chữa lại căn nhà tạm bợ. Có nhà ở kiên cố, khang trang, gia đình bà Thanh yên tâm lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Huyện miền núi Như Xuân có 4 dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh cùng sinh sống đoàn kết. Trong đó, các dân tộc Thái, Thổ, Mường chiếm đa số. Bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã ban hành Quyết định số 384-QĐ/HU, ngày 29/7/2021 về việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Như Xuân, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Như Xuân, giai đoạn 2021 - 2025.

Để các chính sách đi vào đời sống và tác động đến từng hộ nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã quán triệt sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa về công tác giảm nghèo. Đồng thời, vận động các hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xóa bỏ tâm lý tự ti, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi dậy tính chủ động, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo.

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyết suốt nên trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã hướng vào những vùng đặc thù có tỷ lệ hộ nghèo cao, như các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, huyện Như Xuân đang triển khai thực hiện 5 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã phê duyệt 16 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản để hỗ trợ cho 249 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo và 10 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn, với tổng kinh phí 7,304 tỷ đồng. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trên cơ sở đăng ký tham gia của các xã, thị trấn, huyện Như Xuân đã triển khai thực hiện 6 dự án chăn nuôi thông qua cộng đồng, với 141 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ mua giống trâu, bò cái sinh sản. Đồng thời, tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, thú y cho các hộ dân được thụ hưởng chính sách. Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp các hộ dân được tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia dự án.

Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện còn tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Đến nay, huyện đã mở 1 lớp tuyên truyền chính sách giáo dục nghề nghiệp cho 300 người lao động tại các xã vùng khó khăn; 9 lớp đào tạo dưới 3 tháng ngành chăn nuôi, trị bệnh gia súc, gia cầm cho 162 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn.

Từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Như Xuân được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững... Từ đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Nhờ vậy, mục tiêu giảm nghèo của huyện Như Xuân đã vượt chỉ tiêu đề ra. Nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện chiếm 16,9%, tương đương 2.842 hộ, thì đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,94%, tương đương 1.661 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là trên 3%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Trần Thanh