Người Công giáo tỉnh Bắc Giang sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Là một giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, lan tỏa nhiều điều tốt đẹp trong cộng đồng, ông Nguyễn Văn Điển, thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên - Bắc Giang) được Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang khen thưởng về thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Theo ông, là giáo dân phải kính Chúa, yêu thương mọi người; là công dân, phải chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy định địa phương. Dù lương hay giáo đều phải có bổn phận đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước, giúp xóm làng ngày càng phát triển. Được bà con giáo dân ủng hộ, chính quyền địa phương động viên, ông Điển từng làm trưởng thôn ba nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2015-2022)

 Ông Nguyễn Văn Điển (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với các giáo dân.

Nhận trách nhiệm của một trưởng thôn, ông luôn làm tốt vai trò của mình, nêu gương sáng bằng những việc làm thiết thực. Ông cho biết: “Thiết Nham là thôn Công giáo toàn tòng với hơn 340 hộ, gần 1.400 giáo dân. Khi còn là trưởng thôn, tôi luôn tâm niệm rằng muốn cho dân tin, dân làm theo thì bản thân phải nêu gương. Mình gương mẫu, biết lắng nghe; gia đình mình mẫu mực thì nói giáo dân sẽ nghe thôi”. 

Để có kinh tế, vợ chồng ông từng làm đủ nghề để kiếm sống. Thời trẻ buôn bán nơi cửa khẩu Lạng Sơn rồi làm nghề tráng mì, bánh đa, sản xuất đậu phụ; mua máy cày về làm dịch vụ; kinh doanh vật liệu xây dựng... 

Năm 2021, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, khi Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường giao thông qua địa bàn (trước kia là con đường vòng), ông là một trong những người tiên phong hiến hơn 100 m2 đất, cùng với Ban quản lý thôn vận động hộ giáo dân khác cùng hiến. Có gia đình còn băn khoăn, tâm tư chưa thực sự đồng thuận, ông đến tận nhà động viên rằng sau này phát triển, con cái đi nước ngoài về, có tiền mua ô tô, đi đường chật không vào được nhà, dễ bị hỏng xe. Giờ được Nhà nước bỏ tiền hỗ trợ mở rộng làm đường, mình cũng được lợi nhiều trong đó. Nhờ hơn 30 hộ hiến đất, tuyến đường trục chính chạy qua thôn dài gần 1 km đã thẳng băng, trải nhựa phẳng lì.

Nhằm hạn chế những phong tục, tập quán sinh hoạt không còn phù hợp với thực tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, ông gặp gỡ trao đổi với Cha xứ, bàn bạc trong Chi bộ, cấp uỷ, Ban quản lý thôn, Chi hội Người cao tuổi vận động giáo dân khi có người thân qua đời loại bỏ một số thủ tục. Không còn cảnh gia chủ xếp hai hàng dài để bưng bê, đón lễ; không còn khóc thuê, khóc mướn; không sử dụng kèn bát âm mà chỉ dùng một loại kèn đồng của Giáo xứ mà thôi. Đáng chú ý là nghĩa trang thôn Thiết Nham nay như một nghĩa trang công viên, sạch sẽ, thoáng đãng, rợp bóng cây xanh. 

Thiết Nham - thôn Công giáo toàn tòng đang từng bước khởi sắc. Bức tranh tươi mới của xóm đạo được dệt nên từ những giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp như ông Nguyễn Văn Điển.

Trước kia khi giáo dân qua đời thường chôn cất không có thứ tự, mạnh ai nấy làm. 3 năm trở lại đây, các khu mộ được bố trí quy củ. Các phần mộ được phân lô theo hàng lối, đồng nhất về kích thước, kiểu dáng, khoảng cách. Không có việc “tôi có tiền tôi mua phần đất rộng hơn, tôi xây mộ to hơn, cây thánh giá đặt cao hơn”. Vào những ngày lễ của đất nước, ông Điển vận động giáo dân treo cờ Tổ quốc trước nhà.

Gia đình ông Điển có 5 người (gồm: Bố đẻ, 3 người chú, một người cậu) hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Riêng cha ông-liệt sĩ Nguyễn Văn Đệ hy sinh ở mặt trận phía Nam chưa tìm được hài cốt. Mặc dù được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng ông Điển cùng hai anh em trai vẫn xung phong đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, ông là một cựu chiến binh (CCB) gương mẫu, thành viên tích cực của Đội tự quản Chi hội CCB tham gia bảo đảm an ninh trật tự. 

Năm 2019, ông tham gia thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy tự quản của Giáo họ Thiết Nham. 5 người con của ông đều có việc làm ổn định, có người đi nước ngoài. Năm nay đã ở tuổi 62 nhưng ông vẫn tích cực làm kinh tế, hiện ông mua một xe khách 29 chỗ chuyên chở học sinh đến trường và làm dịch vụ đưa đón khách. Vợ ông là bà Thân Thị Thái (SN 1964) cũng là giáo dân, một công dân tích cực trong các phong trào của địa phương. Gia đình ông là tấm gương sáng cho bà con học tập. Hiện nay, ông đảm nhận vai trò thôn đội trưởng, đại biểu HĐND xã. 

Ông chia sẻ: “Giáo dân tốt trước hết phải là một công dân tốt, cần tôn trọng pháp luật, biết lắng nghe, phân biệt phải - trái, không nghe theo những kẻ lợi dụng và chiếm đoạt lòng tin của Chúa để làm những việc trái với pháp luật và giáo luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuân theo pháp luật cũng là hành đạo, làm đúng điều răn kính Chúa, yêu nước”. Là một giáo dân, cựu chiến binh, ông luôn nỗ lực tuyên truyền, động viên bà con thực hiện hài hòa giữa nghĩa vụ của một người Công giáo đối với Chúa và công dân tốt đối với xã hội. 

“Địa phương chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của ông Điển trong việc phát huy truyền thống kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần xây dựng nông thôn mới” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Đức Dương Quang Văn khẳng định.

Thiết Nham - thôn Công giáo toàn tòng đang từng bước khởi sắc. Bức tranh tươi mới của xóm đạo ấy được dệt nên từ những giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp như ông Nguyễn Văn Điển.

Tuấn Anh