Người công giáo Lương Tài sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua cùng với các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đồng bào công giáo huyện Lương Tài tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Về “Khu dân cư kiểu mẫu” Phượng Giáo (thị trấn Thứa), nơi có gần 80% dân số là người công giáo, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của bộ mặt nông thôn mới nơi đây. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, đường làng ngõ xóm rộng rãi, khang trang, “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đường đồng được bê tông hóa 100%, đèn chiếu sáng khắp các trục đường, hệ thống camera an ninh được lắp đặt khắp nơi, không còn tệ nạn xã hội... Thôn nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, trên 95% gia đình đạt Gia đình văn hóa. 5 năm qua, thôn tu sửa, nâng cấp khu Nhà văn hóa, thể dục thể thao, khu tâm linh với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, góp phần xây dựng thị trấn xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của huyện.

 Hạ tầng giao thông thôn công giáo Ngọc Cục ngày càng khang trang, đổi mới.

Có được kết quả đó là nhờ, đồng bào Lương - Giáo trong thôn luôn đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tích cực lao động sản xuất, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Với hơn 2.000 hộ, 7.000 giáo dân, 2 giáo xứ và 8 họ đạo, trong đó có 6 họ đạo toàn tòng, Lương Tài là địa phương có đồng bào công giáo nhiều nhất tỉnh. Các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động được bà con giáo dân đồng tình hưởng ứng, ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.

Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều xứ họ đạo đã dồn điền đổi thửa, tạo đà cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình trang trại được cải tạo từ những vùng ruộng trũng, canh tác lúa khó khăn thành các vườn cây đặc sản như bưởi Diễn, táo Thái đạt tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều xứ họ đạo tiếp tục khôi phục và phát triển các nghành nghề truyền thống như nghề mỳ sợi ở Tử Nê, nghề sản xuất ngư cụ ở Lai Tê, Nghĩa La; nghề thợ mộc ở Thọ Ninh... Trên địa bàn huyện xuất hiện những mô hình kinh tế tiêu biểu, điển hình như mô hình trang trại vừa và nhỏ như của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở Lai Tê; bà Chu Thị Thuộc, ông Chu Quang Phong ở Thọ Ninh; bà Bùi Thị Gấm ở Nghĩa La cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm.

Đồng bào công giáo ở các xứ họ đạo ngày càng có ý thức trách nhiệm cao trong việc xây dựng xứ, họ đạo văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, cuộc sống yên vui, lành mạnh. Các xứ họ đạo có nhà văn hóa, cơ sở thờ tự được nâng cấp, tu sửa như: Họ đạo Ngọc Cục, Tử Nê, Lai Tê... đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con giáo dân. Các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được nâng cấp phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác giữ vững an ninh trật tự vùng giáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được giáo dân thực hiện nghiêm. Ban Đoàn kết công giáo huyện phối hợp chính quyền địa phương thành lập CLB Tuyên truyền pháp luật vùng giáo thôn Thọ Ninh (xã Phú Lương), phối hợp CLB Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội của chi Hội phụ nữ Hương La (xã Tân Lãng) thường xuyên tuyên truyền pháp luật quyền và nghĩa vụ công dân đến đồng bào công giáo. Các CLB này đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Qua tổng kết hàng năm, có 92-95% các gia đình người công giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Năm 2021, 8/8 khu dân cư họ đạo đều đạt danh hiệu Làng văn hóa, trong đó các thôn Ngọc Cục, Tử Nê, Thọ Ninh nhiều năm liền đạt Làng văn hóa, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Trong thời gian cao điểm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVD-19, mỗi người công giáo Lương Tài đều tự hào có nếp sống tốt và luôn có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Các họ đạo trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tự nguyện ủng hộ sức người, sức của, vận động đồng bào công giáo trong huyện ủng hộ được gần 400 triệu đồng. Ban Đoàn kết công giáo huyện kêu gọi ủng hộ 800 triệu đồng, không kể hiện vật cho khu dân cư bị phong tỏa và khu cách ly của huyện, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động, người công giáo Lương Tài đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.

Thu Huyền