Người có uy tín và những bản làng giàu đẹp ở Sơn La

(Mặt trận) -Đi đầu trong những việc khó, tích cực phát triển kinh tế, cùng cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng giàu đẹp… Đó là những nổ lực của đội ngũ già làng, Người có uy tín ở Sơn La. Họ chính là những người “truyền lửa” cho đồng bào vươn lên trong cuộc sống.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Lò Văn Pháng (đứng giữa áo xanh) vận động người dân làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19)

10 năm kiên trì vận động Nhân dân không thả rông gia súc

Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu đến bản Đông Suông gặp ông Lò Văn Pháng, dân tộc Thái, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, hiện là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở xã.

Kể lại những năm tháng công tác tại địa phương, ông Pháng vẫn còn nhớ dấu mốc năm 2004, ông được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã. Trước đó, khi còn làm cán bộ Đoàn xã, Trưởng bản Nà Bá, ông đã tiên phong đưa giống lúa nếp 87 về trồng thay thế giống cũ năng suất kém tại các bản, giúp hàng nghìn hộ dân ở xã Ngọc Chiến giải quyết được vấn đề đứt bữa thời kỳ giáp hạt. Sau này giống lúa 87 được người dân trong vùng đổi thành cái tên lúa “Pháng Xiên”- tên của ông Pháng và con trai cả của ông Pháng ghép thành.

Có một việc ông Pháng nhớ nhất là 10 năm kiên trì “đấu tranh” để làm được một việc “khó hơn lên trời”, đó là đề xuất ban hành Nghị quyết vận động Nhân dân không thả rông gia súc. Đề xuất của ông được nhiều người tán thành, nhưng cũng gặp rất nhiều trở ngại từ chính lãnh đạo xã, người dân nên đề xuất ấy vẫn chỉ nằm trên giấy, không thể thực hiện được.

“Cho đến năm 2016, khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã, tôi đã quyết định thành lập tổ công tác đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 70%. Phải đến năm 2018 mới tuyên truyền, vận động thành công. Từ khi nuôi nhốt, đàn gia súc được chăm sóc cẩn thận hơn nên béo tốt. Có những con trâu mộng được thương lái đến mua với giá từ 70 -100 triệu đồng”, ông Pháng nhớ lại.

Hiện nay, với vai trò là Người có uy tín của bản Đông Suông, ông Pháng được bà con kính trọng và tin tưởng. Mọi việc lớn từ trong gia đình đến ngoài xã hội, bà con đều đến gặp ông Pháng xin được ông tư vấn, góp ý, tìm hướng giải quyết. Ông Pháng trở thành chỗ dựa, là nơi trao gửi niềm tin của đồng bào Thái ở bản Đông Suông và xã Ngọc Chiến.

Tiên phong bài trừ hủ tục lạc hậu

Rời xã Ngọc Chiến, chúng tôi sang xã vùng cao Long Hẹ của huyện Thuận Châu gặp ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín tiêu biểu của bản Chà Mạy. Ông luôn có mặt trong các việc khó khăn, phức tạp của bản. Khi xảy ra những bất hòa giữa các dòng họ, các gia đình, tranh chấp đất đai.., chỉ cần ông Di có mặt là mọi việc đều êm xuôi.

 Ông Vàng Dúa Di (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi tuyên truyền người dân về công tác phòng chống ma túy.

Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ - Sùng Chờ Nó, những năm trước đây, bản thân ông  cùng với ông Vàng Dúa Di đã tích cực đến nhà trưởng các dòng họ và từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trong gia đình mình. Khi con gái ông Di đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới bằng bạc trắng, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới hỏi gọn nhẹ, không ăn uống dài ngày như trước. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống mới, đưa người mất vào áo quan và để trong nhà không quá 2 ngày...

Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa giản dị, tiết kiệm mà vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, các gia đình trong dòng họ Vàng và các dòng họ Thào, Sùng, Lầu trong vùng đã đồng thuận làm theo. Nhờ được ông Di tuyên truyền, người dân trong bản không còn di cư tự do, không còn trồng cây thuốc phiện, không phá rừng làm nương, tập trung lao động sản xuất. Theo đó, cuộc sống của người dân ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Người dân không còn bị kẻ xấu lợi dụng làm điều trái với quy định của pháp luật…

Tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Tại bản tái định cư Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, chúng tôi tản bộ cùng cán bộ xã trên tuyến đường liên bản đã được đổ bê tông phong quang, sạch đẹp. Ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, chia sẻ: Trước đây, đường nội bản rải cấp phối, mặt đường gồ ghề, người dân đi lại rất khó khăn. Để làm được con đường bê tông dài trên 2 km này, phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu của ông Lò Văn Lợi, Người có uy tín của bản Quỳnh Châu.

 Đường giao thông nông thôn bản Kiến Xương, xã Phổng Lái khang trang, sạch, đẹp

Ông Lợi đã hiến gần 400 mét vuông đất trồng cây ăn quả và cà phê của gia đình để giải phóng mặt bằng. Theo gương ông, nhiều hộ trong bản đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất hoa màu để mở rộng đường. Cùng với đó, ông Lợi còn tích cực tuyên truyền để bà con trong xã hiểu rõ hơn về lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã Phổng Lái hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2017.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Toàn tỉnh Sơn La có hơn 2.000 cán bộ và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đang phát huy rất tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân. Họ là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước…góp phần xây dựng các bản làng vùng cao ngày một giàu mạnh…

Quốc Tuấn