Người có uy tín ở thôn, bản: Nói dân nghe, làm dân tin

(Mặt trận) -Bằng sự gương mẫu, trách nhiệm với việc chung, những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn phát huy vai trò nêu gương trong hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là đường giao thông. Từ những tấm gương “người thật, việc thật” đã tạo sức lan toả trong cộng đồng, mang đến diện mạo mới ở những vùng khó khăn.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

"Mình không làm thì ai theo"

Năm 2003, ông Vương Hữu Phùng (SN 1949), dân tộc Cao Lan, thôn Nhân Định, xã Yên Định (Sơn Động) được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín của thôn. Trước đây, toàn bộ đường trong thôn là đường đất nhỏ hẹp rất khó đi, nhất là mùa mưa. Năm 2018, khi xã Yên Định đưa ra lộ trình về đích nông thôn mới (NTM), như các thôn khác, thôn Nhân Định gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt bằng để mở rộng đường.

 Tuyến đường ở thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) mới được mở rộng, nâng cấp.

Nói để dân tin, dân nghe và làm theo, gia đình ông Phùng hiến hơn 60 m2 đất vườn, tháo dỡ gần 100 m tường rào kiên cố (trị giá hơn 100 triệu đồng) để mở rộng đường. Từ sự gương mẫu đi đầu của ông Phùng, phong trào hiến đất xây dựng NTM lan toả mạnh mẽ. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, ông đã vận động nhân dân trong thôn hiến gần 2 nghìn m2 đất, gần 1 nghìn cây ăn quả các loại, tháo dỡ 30 công trình kiên cố, tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Ông Phùng còn vận động nhân dân đối ứng gần 300 triệu đồng làm mới hơn 2 km đường giao thông nông thôn. “Thôn Nhân Định có hơn 95% người dân tộc Cao Lan. Với đồng bào, mình tuyên truyền vận động phải khéo léo để bà con hiểu hiến đất làm đường không chỉ cho mình mà còn cho con cháu mình đi. Khi ấy thì bà con mới nghe”, ông Phùng nói.

Toàn tỉnh có 525 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên. Bằng trách nhiệm của mình, người có uy tín luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đặc biệt là trong phong trào hiến đất làm đường giao thông. Tại thôn Đồng Vành 1, xã Lục Sơn (Lục Nam), để tận dụng cơ hội hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, ông Bàn Văn Thắng (SN 1961), người có uy tín của đồng bào người Dao tiên phong phá tường bao, hiến đất rồi trực tiếp đến 25 hộ nằm hai bên trục đường chính của thôn tuyên truyền. Nhờ đó, tuyến đường được mở rộng lên 5 m, xe tải có thể vào từng hộ để thu mua nông sản. 

Tương tự, ông Hà Trung Thành (SN 1955), người có uy tín của đồng bào người Hoa ở thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cũng đi đầu trong các phong trào của thôn. Cách đây 3 năm, khi địa phương có chủ trương mở rộng đường trục thôn cũng là thời điểm Nhà nước triển khai mở rộng tỉnh lộ 289 qua địa bàn. Nhiều hộ so sánh, yêu cầu được đền bù như đường tỉnh. Phát huy vai trò của mình, ông Thành đã tự tay chặt hàng chục cây ăn quả đang cho thu hoạch, hiến hơn 300 m2 đất. Thấy ông làm, đồng bào cũng làm theo, hiến 8 nghìn m2 để mở rộng đường. “Nguồn lực của bà con hạn chế song nhận thấy nếu không làm lúc này thì lâu lắm chúng tôi mới có đường rộng để đi nên tôi chủ động hiến đất bởi nếu mình không làm thì ai tin và làm theo”, ông Thành nói.

Cần thêm nguồn lực

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, cùng với nguồn vốn Trung ương phân bổ theo Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã phân bổ 72 tỷ đồng đầu tư xây dựng 61 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc đi lại và nhu cầu tưới tiêu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, giai đoạn 2015-2020, hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 51,6% xuống còn 13,45% (bình quân 7,6%/năm); hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 34,84% xuống 8,47% (giảm bình quân 5,2%/năm).

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 525 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã ở 6 huyện miền núi. Trong đó, huyện Lục Ngạn (219 người), Sơn Động (110), Yên Thế (98), Lục Nam (73), còn lại ở hai huyện Lạng Giang, Tân Yên.

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Vài năm trở lại đây, diện mạo NTM tại một số địa phương của huyện có nhiều khởi sắc, các tuyến đường bê tông mới mở xuất hiện ngày càng nhiều. Kết quả ấy có dấu ấn không nhỏ của những người có uy tín. Bằng trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, am hiểu phong tục tập quán, tín nhiệm của cộng đồng dân cư, người có uy tín đã trở thành cầu nối, hạt nhân trong các phong trào tại khu dân cư”.

Mặc dù KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng qua đánh giá vẫn là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của tỉnh. Kết cấu hạ tầng nhiều nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh. Xác định cùng với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, việc phát huy nội lực của đồng bào là “chìa khóa” để thay đổi diện mạo các thôn, bản, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo phòng chuyên môn các huyện tập trung tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò người có uy tín. 

5 năm qua, người có uy tín tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung tay xây dựng NTM; trực tiếp vận động hơn 4 nghìn hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng các tuyến đường trục chính về các thôn, đường ngõ xóm, tạo điều kiện cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa. Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nói: “Do một số người dân tộc thiểu số nhận thức hạn chế nên người có uy tín đóng vai trò lớn, giúp thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân. Để phát huy vai trò, hằng năm, chúng tôi thực hiện tốt các chính sách, định kỳ gặp mặt, động viên khích lệ người uy tín nêu gương trong cộng đồng. Tuy nhiên để tiến kịp các địa phương khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần nguồn lực từ sự chung tay, giúp sức của các tổ chức, cá nhân”.

T.Q