Người Chăm tỉnh Bình Thuận giữ nét văn hóa – xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Trong quá trình gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc, giáo dục con cái, vai trò của người có uy tín, các đảng viên trong cộng đồng người dân tộc Chăm, tỉnh Bình Thuận rất quan trọng, đóng vai trò định hướng.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Truyền thống văn hóa của đồng bào Chăm

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng người Chăm nói riêng đều có nét văn hóa riêng lâu đời và giàu bản sắc. Ngày nay, dưới sự tác động của mạng xã hội và sự hòa nhập giao lưu văn hóa, ít nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc đã có sự thay đổi cho phù hợp. Để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, nhiều dòng họ trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận đã xây dựng Quy ước sinh hoạt tộc họ. Mà dòng họ Đặng - Nguyễn ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp là một ví dụ. Năm 2013, hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dòng họ Đặng - Nguyễn đã xây dựng mô hình dòng tộc văn hóa tự quản an ninh trật tự. “Nói là xây dựng dòng tộc văn hóa tự quản an ninh trật tự, chứ thực ra là duy trì, phát triển nếp sống của tộc họ đã có từ bao đời nay. Tuy nhiên, mình cũng phải thay đổi một chút cho phù hợp với tình hình hiện nay. Lớp trẻ bây giờ suy nghĩ tân tiến hơn, mình áp dụng như xưa thì khó lắm”, ông Đặng Văn Lẽo - Tộc trưởng dòng họ Đặng - Nguyễn đã chia sẻ vào thời điểm cách đây vài năm khi chúng tôi tìm hiểu về người dân tộc Chăm giữ lại truyền thống văn hóa. Quy ước sinh hoạt của dòng họ Đặng – Nguyễn có một sự thay đổi rất lớn về văn hóa. Trong khoản 2, điều 2 của bản quy ước có ghi “bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, không phân biệt đối xử nam nữ”. Để có sự thay đổi lớn này tộc đã phải tổ chức nhiều cuộc họp. Đồng bào dân tộc Chăm sống theo văn hóa mẫu hệ. Người phụ nữ trong hôn nhân hay trong cuộc sống gia đình vẫn có những “ưu tiên” nhất định. Giờ “không phân biệt đối xử nam nữ” thì nghe có vẻ không xuôi. Rồi, ngay cả trong hội đồng gia tộc có 12 thành viên thì có đầy đủ các thành phần: Già, trẻ, trai, gái. Nhưng đó là khó khăn của những ngày đầu. Khi mọi người đã hiểu thì cái quy ước sinh hoạt lại là cái khung để mọi người nhìn vào mà ứng xử với nhau, hội đồng gia tộc chính là nơi họ chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Những đứa trẻ trong dòng tộc Đặng – Nguyễn được các gia đình rất mực quan tâm. Gia tộc còn xây dựng 1 quỹ khuyến học và 1 quỹ tương thân tương ái. Dòng tộc Đặng – Nguyễn có một cuốn sổ, trong đó, mỗi tờ là 1 hộ gia đình, tên từng thành viên, trình độ văn hóa… Trong sổ có cả mục hộ sản xuất giỏi, đơn vị công tác… Không chỉ gìn giữ nét văn hóa ngàn đời của dân tộc mình, người Chăm ở Bình Thuận là một trong những dân tộc có truyền thống hiếu học. Gia đình có thể nghèo về kinh tế nhưng con em người Chăm luôn được chăm lo chu đáo trong học tập. Chính vì thế tỷ lệ con em người chăm ở Bình Thuận thành đạt làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Có những người tham gia làm việc trong cơ quan nhà nước và giữ chức vụ cao như: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa 13 ông Mã Điền Cư, hay Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh cũng là người con của dân tộc Chăm.

 

Phát huy vai trò của đảng viên

Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự tại một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Bình nói chung và các xã thuận đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn huyện có những diễn biến phức tạp. Tình trạng thanh thiếu niên mâu thuẫn đánh nhau diễn ra phức tạp. Khoảng 10 năm về trước, tình hình an ninh trật tự ở thôn Bình Đức khá phức tạp. Mâu thuẫn giữa thanh niên thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp và thị trấn Chợ Lầu khá gay gắt. Tình trạng các nhóm thanh niên đánh nhau thường xuyên xảy ra. Chính quyền và đảng bộ 2 địa phương đã cử cán bộ đến gặp từng thanh niên để thuyết phục, vận động. Mưa dầm thấm lâu, giờ đây mâu thuẫn đã được hóa giải, không ít trai gái ở 2 địa phương đã nên vợ, thành chồng. Trong việc gìn giữ an ninh trật tự, vai trò của người đảng viên thể hiện rất rõ qua việc giáo dục con cháu.

Tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh những gia đình nào có con cháu chưa ngoan, thường tụ tập bạn bè ăn nhậu thì những người đảng viên trong dòng họ sẽ là những người cùng với cha mẹ giáo dục. “Những thanh thiếu niên chưa ngoan, có biểu hiện vi phạm các quy định của pháp luật thì chi bộ sẽ mời các đảng viên là người thân cùng với cha mẹ để làm công tác tư tưởng giáo dục con cháu. Mà muốn làm được điều này thì bản thân người đảng viên đó phải gương mẫu trong cả lối sống và giáo dục con cái”, ông Đồng Thanh Viên, Trưởng thôn Tịnh Mỹ chia sẻ. Từ việc phát huy vai trò của đảng viên trong gìn giữ mái ấm gia đình, giáo dục con cháu, cộng đồng người Chăm tại Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền xây dựng những mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Chăm đã tuyên truyền, vận động họ giáo dục con em trong tộc, họ, bà con trong vùng không vi phạm pháp luật, chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phục vụ đắc lực cho công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Qua triển khai thực hiện các mô hình trên, các thành viên mô hình đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Hiện nay, đồng bào người Chăm đã xây dựng được các mô hình như: “Chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức và người trong tộc họ tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” tại xã Phan Hòa; “Chức sắc Bà La Môn giáo tham gia giữ gìn ANTT – vì bình yên cuộc sống” tại xã Phan Hiệp, “Chức sắc đảm bảo ANTT” tại xã Phan Thanh, Phan Hòa; mô hình “Cán bộ và chức sắc tôn giáo Bà La Môn thôn Lâm Thuận xung kích, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật” ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình “Đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự” xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Qua tham gia hoạt động các mô hình này, trong năm 2022, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia hòa giải thành công hơn 100 vụ mâu thuẫn lớn, nhỏ có liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải tỏa, dân tộc, tôn giáo; cung cấp hơn 30 nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm tin có giá trị cho lực lượng công an giúp xác minh, điều tra. Sự phối hợp, chung tay của cộng đồng người Chăm tại Bình Thuận đã góp phần bảo vệ Tổ quốc gìn giữ an ninh trật tự. Nhiều năm qua, các xã thuần đồng bào Chăm tại Bình Thuận đều đạt chuẩn về an ninh trật tự. Nét văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ, phát huy, người đồng bào dân tộc Chăm tại Bình Thuận được hưởng những chính sách hỗ trợ từ trung ương, địa phương nên đời sống ngày một phát triển.

PHAN LIÊN – TRÚC HÀ