Nghĩa đồng bào trong cuộc chiến chống đại dịch

(Mặt trận) -Nếu như tiếng chày giã gạo nuôi quân trên sóc Bom Bo trở thành biểu tượng của tình yêu nước, tình nghĩa mà đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Phước dành cho cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì giờ đây tinh thần ấy được người dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tiếp nối bằng việc cùng nhau đóng những chiếc giường tre, giường gỗ để gửi vào các khu cách ly, góp phần chung tay cùng địa phương chống dịch.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Người dân ấp Sóc Răng, xã Thành Bình, huyện Hớn Quản đóng giường tre gửi vào khu cách ly.

Những ngày này, khắp mọi nơi ở huyện Hớn Quản, đâu đâu cũng thấy bà con bàn nhau việc đóng giường gửi tặng khu cách ly Covid-19. Bí thư Huyện ủy Hớn Quản Nguyễn Thị Xuân Hòa chia sẻ, khi nhận thấy hiệu quả và ý nghĩa to lớn của phong trào này thì tất cả đồng bào DTTS ở đây đều sẵn sàng tham gia, góp sức cùng MTTQ, hội đoàn thể, ban, ấp làm nên những chiếc giường đầy nghĩa tình, qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của người dân.

Giữa buổi trưa hè, trong khoảnh sân nhỏ trước nhà của chị Thị Mai ở ấp Sóc Răng, xã Thành Bình, huyện Hớn Quản vang lên tiếng ầm ì, rộn ràng của máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo chí chát cùng tiếng cười nói vui vẻ. Những người thợ mộc không chuyên của ấp đang cùng nhau đóng giường để gửi tặng khu cách ly Covid-19 tập trung của huyện. Những đôi tay vốn dĩ hằng ngày chỉ quen thuộc với việc cầm cuốc, cầm dao cạo mủ cao-su thì giờ đây cũng dần quen với việc cầm cưa, cầm đục. Bà con trong ấp nhiệt tình tham gia, góp công sức và ủng hộ nguyên vật liệu để làm ra những chiếc giường bằng tre, gỗ chắc chắn, đóng góp cùng Nhà nước chống dịch. "Chúng tôi sắp xếp, chia thành nhiều nhóm nhỏ để làm việc, không tập trung đông người và tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Phải đoàn kết, chia sẻ để chiến thắng đại dịch", chị Thị Mai chia sẻ.

Xã Phước An của huyện Hớn Quản có 13 ấp, trong đó có tám ấp có đông đồng bào DTTS sinh sống. Dù phong trào đóng giường tặng khu cách ly Covid-19 mới lan tỏa ở địa phương nhưng chỉ qua vài ngày, đã có 30 chiếc giường được người dân hoàn thành. Hiện nay, bà con vẫn đang tích cực thực hiện việc này cho nên số lượng sẽ không dừng lại ở đó. Chị Thị KLét, Bí thư Chi bộ ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An cho biết: Khi chúng tôi đưa ra kế hoạch đóng giường tặng khu cách ly là bà con ủng hộ ngay, ai có vật liệu gì thì ủng hộ vật liệu đó. Sau khi tập hợp đầy đủ vật liệu, người thì xẻ gỗ, người thì đục mộng, người thì chẻ tre làm nan giường… Không khí lao động nhộn nhịp nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước. Số ca nhiễm mới vẫn tăng hằng ngày. Người dân của Bình Phước đang lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về ngày càng nhiều. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và số người phải cách ly sẽ tăng lên. Từ đó, áp lực ở các khu cách ly tập trung ngày một lớn, trong khi, tiềm lực kinh tế của tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Hớn Quản nói riêng vẫn còn rất hạn chế. Bí thư Huyện ủy Hớn Quản, Nguyễn Thị Xuân Hòa cho biết: "Theo quy định của tỉnh, chúng tôi phải chuẩn bị các khu cách ly tập trung bảo đảm cho khoảng 500 người vào cách ly an toàn. Điều này không hề dễ dàng với một huyện còn nhiều khó khăn như Hớn Quản. Thật may với sự ủng hộ của nhân dân thời gian qua, nhất là phong trào đóng giường tặng các khu cách ly tập trung thì chúng tôi đã cơ bản rất yên tâm về chỗ ăn nghỉ cho người cách ly".

Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chỉ chưa đầy một tuần lễ toàn huyện Hớn Quản đã có hơn 250 chiếc giường do đồng bào DTTS tự đóng để chuyển đến khu cách ly. Từ một ý tưởng đơn lẻ nay đã trở thành một phong trào lớn, từ một hành động nhỏ nay đã trở thành tấm gương về tinh thần, trách nhiệm của nhân dân khi Tổ quốc cần. Rồi đây phong trào này không chỉ được nhớ mãi, nhắc mãi mà sẽ lan tỏa ra các huyện, thị xã khác trong tỉnh Bình Phước, góp phần giúp địa phương tăng nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm của đồng bào nơi đây cùng hệ thống chính trị chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

NHẤT SƠN