Nay H’Uyên - nữ Chủ tịch Mặt trận nói dân tin, làm dân theo

(Mặt trận) - “Không có niềm vui nào lớn hơn là làm được việc tốt cho dân, chỉ mong bà con Jrai quê mình ngày càng có cuộc sống no đủ…” - đó là lời bộc bạch chân thành của Nay H’Uyên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), một đảng viên trẻ có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, chăm lo cuộc sống người dân.

Người có uy tín tỉnh Lạng Sơn: Cầu nối gắn kết trong cộng đồng dân cư

Đồng Sơn vươn mình

Đakrông, điểm sáng về xóa nhà tạm, nhà dột nát

Nay H’Uyên (ngoài cùng bên phải). Ảnh QC 

“Thưa bà con, COVID-19 là bệnh rất nguy hiểm, đề nghị bà con thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về nguyên tắc 5K...”. Đang xếp lại mấy thanh củi dưới nhà sàn, bà Nay H’Triu dừng tay, chăm chú lắng nghe giọng nói quen thuộc của Nay H’Uyên trên cái loa phát thanh treo ngay trước cổng. Đã bao năm nay, cứ mỗi lần trong bôn (làng) có công việc gì quan trọng, bà đều được nghe giọng nói trầm ấm, dõng dạc của nữ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận. Đối với bà và người dân trong 4 bôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã, những thông tin do cô nói trên loa "dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm theo lắm! - “Mình phải nghe lời và làm theo Nay H’Uyên thôi…” - bà Nay H’Triu nói.

Chư Băh là một xã nghèo thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Xã có 86,4% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên đối với những người làm công tác tuyên truyền, vận động bà con gặp rất nhiều trở ngại. Nay H’Uyên tâm sự: “Được học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ là: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Là người Jrai, cô luôn hiểu rằng, đối với bà con trong xã, nếu đi tuyên truyền mà cầm cả tập tài liệu đọc thao thao bất tuyệt thì người nghe sẽ không hiểu và lần sau, nếu tổ chức họp dân sẽ không ai tham dự. Vì vậy, cô luôn trăn trở tìm những cách làm phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với người dân thực chất, hiệu quả.

Để làm được như vậy, cô xác định về nội dung tuyên truyền phải dựa trên tài liệu và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Thị ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên, lựa chọn những nội dung phù hợp với cuộc sống người dân. Đối với người dân trong xã, hình thức phù hợp nhất là tuyên truyền miệng nhưng để người dân nghe và hiểu nhanh nhất phải tóm lược những nội dung chính, quan trọng và biên tập, nói bằng tiếng Jrai, sử dụng ngôn từ thật dân dã, gần gũi với người dân. Đặc biệt, trong khi dịch COVID-19 đang bùng phát, vai trò công tác tuyên truyền trở nên rất quan trọng. Nay H’Uyên đã đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã biên soạn các nội dung thiết thực nhất rồi trực tiếp dịch ra tiếng Jrai, thu âm và phát trên hệ thống loa phát thanh của xã với thời lượng 15 phút/lần, mỗi ngày phát 3 lần vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối. Đối với những hộ dân ở xa cụm loa phát thanh, cô đề nghị cán bộ trong hệ thống chính trị bôn sử dụng loa di động phát tại tất cả các tuyến đường liên bôn để bảo đảm thông tin đến được với tất cả người dân, không bỏ sót một ai.

Nay H’Uyên tâm sự, cuộc sống của người Jrai trong các bôn gắn liền với núi, đồi nên họ thường lên rẫy từ khi mặt trời mới thức giấc và trở về nhà khi bóng nắng đã trải dài dưới chân cầu thang. Vì vậy, nếu người cán bộ làm công tác tuyên truyền chỉ đi làm trong giờ hành chính sẽ không thể tiếp cận với các đối tượng. Vì thế, không quản ngại thời gian, Nay H’Uyên thường tranh thủ cuối giờ chiều hoặc sáng sớm để tổ chức các buổi tuyên truyền. Tùy nội dung, đối tượng cần tuyên truyền sẽ chọn những địa điểm phù hợp; có thể là các buổi họp dân tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng cũng có thể là trên nhà sàn, thậm chí bên ché rượu cần của buổi lễ ăn nhà mả, mừng lúa mới… Đặc biệt, cô luôn xác định, muốn người dân nghe và tin lời mình nói thì trước hết bản thân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm và không bao giờ được thất hứa với bà con, dù là việc nhỏ nhất.

Khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một trong những công việc khó thực hiện nhất trên địa bàn xã Chư Băh là tiêu chí về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm sạch vì người dân ở đây cho rằng, làm nhà vệ sinh là không cần thiết, khi có nhu cầu chỉ cần đi “đạp rừng” (vệ sinh ở ngoài rừng) cho nhanh gọn. Bằng quyết tâm và với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, cô chọn những hộ có điều kiện kinh tế, có sự hiểu biết hơn để vận động thực hiện trước. Nói một lần người dân chưa thông, chưa đồng ý, cô lại đến lần thứ hai, thứ ba… Có những hộ chiều nào cô cũng đến chỉ để phân tích cái lợi khi có nhà vệ sinh. Cô nói họ chưa nghe, cô nhờ người có uy tín trong bôn đến vận động, thuyết phục. Cứ như vậy rồi người dân cũng hiểu ra và làm theo. Đối với những hộ khó khăn, cô tích cực tìm các nguồn tài trợ để xin cho hộ dân vài trăm viên gạch, vài bao xi măng... Nhờ đó hiện nay, hầu hết các hộ trong xã đều đã xây dựng được nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn. Những kết quả này đã góp phần giúp xã Chư Băh đạt chuẩn nông thôn mới trước một năm so với kế hoạch.

Ông Lê Hữu Thùy, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh nhận xét: “Nay H’Uyên là nữ đảng viên trẻ. Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, Nay H'Uyên còn thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề người dân quan tâm để kịp thời giải thích hoặc báo với các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết. Bà con luôn tin tưởng và tìm đến cô khi gặp khó khăn, vướng mắc; từ đó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”.

Với những đóng góp tích cực trong nhiều năm qua, Nay H’Uyên đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành; được bà con người Jrai tin yêu, quý mến. “Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia đoàn cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng bộ thị xã Ayun Pa đi báo công với Bác tại thủ đô Hà Nội”- Nay H’Uyên cảm động nói./.