Nâng cao chất lượng đời sống vùng dân tộc thiểu số, vùng đông đồng bào có đạo

(Mặt trận) -Nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đông đồng bào có đạo. Các chính sách đã tạo động lực quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Xã Xích Thổ (Nho Quan) đã có nhiều đổi mới trong phát triển kinh tế- xã hội.

Hiện tỉnh Ninh Bình có trên 29.400 người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh (Trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, chiếm tới 98,56% còn lại là dân tộc Tày, Thái, Khơ Me, Nùng, Dao, Ê đê, Cơ Ho, Sán rìu, Mơ Nông, Sila), sinh sống tập trung tại 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Toàn tỉnh hiện có trên 145.200 người theo đạo Thiên chúa, chiếm 23,33% dân số toàn tỉnh, trong đó Kim Sơn là huyện có đông đồng bào Công giáo nhất tỉnh với 46,7% dân số toàn huyện.

Thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đông đồng bào có đạo, tỉnh Ninh Bình đã tập trung huy động nguồn vốn, có sự phân bổ hợp lý để đầu tư hạ tầng kinh tế cho các địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về: hỗ trợ đào tạo nghề; xuất khẩu lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe, xem… 

Trên cơ sở Nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch, qua đó phát huy vai trò quản lý nhà nước, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động trên 29,8 tỷ đồng thuộc Chương trình 30a để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; trên 50 tỷ đồng thuộc Chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Gần 24 tỷ đồng được đầu tư hỗ trợ cho người dân (vùng có đông đồng bào dân tộc và công giáo) về giống cây trồng, con nuôi, phân bón, xây dựng mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; Trên 1,8 tỷ đồng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc 5 xã  bãi ngang ven biển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Gần 1,7 tỷ đồng để nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn; Trên 5,4 tỷ đồng thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo…

Cùng với đó, Ninh Bình quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế. Trong đó đã tập trung tới các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, học sinh vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. 

Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 83.172 lượt học sinh với tổng kinh phí thực hiện trên 97 tỷ đồng; Trong đó: Miễn, giảm học phí cho 40.201 lượt học sinh với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng; hỗ trợ chí phí học tập cho 21.364 lượt học sinh với tổng kinh phí 20 tỷ đồng; hỗ trợ 1.650 lượt học sinh khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 11 tỷ đồng; hỗ trợ ăn trưa cho 16.095 trẻ mẫu giáo mầm non với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng; hỗ trợ 3.862 học sinh dân tộc, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng. Thực hiện tốt các chính sách về giáo dục đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và giảm nghèo. 

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, cùng với chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo; quan tâm đầu tư nâng cấp các Trung tâm Y tế/Bệnh viện đa khoa huyện, các trạm y tế xã. 

Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có có 139 xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế, chiếm 95,8%. Cùng với ngân sách Trung ương, tỉnh đã dành nguồn lực đáng kể để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng. Theo đó, toàn tỉnh có 886.624 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,24% dân số.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng có đông đồng bào có đạo đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và vùng có đông đồng bào có đạo có nhiều đổi mới, số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. 

Đến nay đã có 7/7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống về đích nông thôn mới; 21/25 xã thuộc huyện Kim Sơn (nơi có đông đồng bào công giáo sinh sống) được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng công giáo có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 70% số hộ dân đã được dùng nước sạch; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông được phát triển đến 100% các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Mai Lan- Trường Giang