Nậm Pồ nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên luôn quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giúp đồng bào yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bằng nguồn xã hội hóa, học sinh điểm bản Chăn Nưa, Trường Mầm non Nà Khoa đã có nhà lớp học khang trang, sạch đẹp. 

Có dịp trở lại xã Si Pa Phìn - địa bàn có hơn 90% dân số là DTTS sinh sống, chúng tôi nhận thấy đời sống của bà con đã được quan tâm chăm lo về mọi mặt. Không còn cảnh lầy lội trước kia, đa phần các tuyến đường liên bản giờ đây đều được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Ðặc biệt, các công trình hạ tầng về y tế, giáo dục, thông tin và những ngôi nhà vững chãi của bà con góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho vùng biên giới.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Những năm qua Si Pa Phìn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ huyện đến tỉnh. Ðặc biệt là trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về chính sách dân tộc. Thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS đã từng bước cải thiện, trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5 - 6%. 8 tháng đầu năm 2023, xã đã đào tạo nghề cho 64 người, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. Triển khai xây nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo đợt 1 vừa qua, xã hoàn thành 9 nhà. Bà con phấn khởi và yên tâm lao động sản xuất.

Là huyện biên giới có 8 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới hơn 95% dân số nên các chương trình, dự án triển khai tại Nậm Pồ đều hướng đến đối tượng này. Ðảng bộ, chính quyền huyện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, dân tộc từng bước được nâng cấp phát triển; các hộ đồng bào DTTS có thêm nguồn lực để vươn lên. Thống kê đến tháng 6/2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 47,53%, ước cuối năm 2023 giảm còn 44,55% (giảm hơn 6% so với năm 2022).

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Xác định công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp các xã đặc biệt khó khăn. Ðồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình. Ðồng thời chủ động phân bổ kinh phí cho cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo...

Một trong những cách làm hiệu quả đang được cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ triển khai đó là các cơ quan, đơn vị luôn có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai thực hiện mỗi dự án, mô hình xóa đói giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án thì huyện còn tích cực huy động sự đóng góp, tham gia xã hội hóa của cộng đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS ở địa phương.

Hà Linh