Mường La nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông

(Mặt trận) -Trên địa bàn huyện Mường La, tỉnh Sơn La hiện có 19 dòng họ dân tộc Mông, sinh sống tại 75 bản, thuộc 15/16 xã, thị trấn, với gần 22.000 nhân khẩu, chiếm 22% dân số toàn huyện. Những năm qua, thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không” đã mang lại những đổi thay tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Huyện Mường La hỗ trợ bò giống theo Chương trình 30a cho các hộ nghèo.

Để nội dung bản cam kết đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong đồng bào dân tộc Mông; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nội dung cam kết. Cùng với đó, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, gắn với thực hiện các nội dung cam kết, như: Cho hộ nghèo vay vốn xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng theo Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, chú trọng việc phát triển giao thông nông thôn đến các xã, bản khó khăn, tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại, vận chuyển hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 13/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 17% tuyến đường trục bản, liên bản được cứng hóa... 

Điểm nổi bật trong thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông ở Mường La đó là, tích cực đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng cao được nhân rộng, như: Trồng, khoanh nuôi bảo vệ gần 2.000 ha cây sơn tra; trên 100 ha cây thảo quả, cây sa nhân; trồng cây ăn quả trên đất dốc; trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi đại gia súc... góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Người Mông ở vùng cao Mường La còn tích cực thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; không ép hôn, tảo hôn, không thách cưới bằng bạc trắng; không tổ chức ăn uống linh đình. Việc tang cũng được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Cùng với đó, những tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc Mông tiếp tục được duy trì và phát triển, mê tín dị đoan từng bước được xóa bỏ. Việc học của con em đã được các gia đình, dòng họ người Mông quan tâm, không phân biệt là con trai, con gái, cứ đến tuổi đi học là được đến trường. Đặc biệt, toàn huyện có hơn 700 đảng viên là người dân tộc Mông; nhiều cán bộ là người dân tộc Mông đang tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị của huyện và xã; nhiều con em dân tộc Mông theo học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

Tại xã Chiềng Muôn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đồng chí Cứ A Dạng, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Hiện, xã có hơn 230 hộ là người dân tộc Mông, chiếm gần 70% dân số toàn xã. Xác định việc thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không” là việc khó, bởi những tập quán canh tác tự cung, tự cấp, hay những phong tục lạc hậu đã truyền từ đời này qua đời khác rất khó có thể thay đổi trong “một sớm, một chiều”. Bởi vậy, khi thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không”, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong đi đầu trong xóa bỏ các hủ tục, áp dụng kỹ thuật, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con thấy được và học tập làm theo. Cùng với đó, phát huy vai trò của các trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng các dòng họ, người có uy tín làm nòng cốt nêu gương, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nội dung của cam kết. Mừng nhất là, nhận thức của người Mông đã nâng lên, đặc biệt trong chuyển đổi cây trồng, phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy lùi các hủ tục, cùng nhau xây dựng bản làng no ấm.

Dù đã nhiều thay đổi, nhưng so với mặt bằng chung, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường La vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nội dung cam kết “5 có, 5 không”, huyện Mường La đang tập trung thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Việt Anh