Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn: Phát huy vai trò đoàn kết đồng bào giáo dân

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn kết các tôn giáo và đồng bào giáo dân; vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua, góp sức xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển…

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Là địa bàn có giáo xứ, với nhiều giáo dân sinh sống, thời gian qua, Ủy ban MTTQ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc và Ban công tác mặt trận các thôn, bản đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Thanh Hường, một giáo dân ở thôn Bắc Đông 1, xã Gia Cát cho biết: Hằng năm, tôi và bà con theo đạo ở thôn đều được cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã tạo điều kiện sinh hoạt, đồng thời, được tuyên truyền, định hướng hoạt động theo đúng quy định. Tôi và các hộ trong thôn tích cực phát triển kinh tế, đoàn kết tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương…

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn tặng quà Tòa Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng nhân dịp Lễ Noel năm 2019

Tại huyện Bắc Sơn, nơi có 798 hộ theo tôn giáo, với gần 2.900 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất là theo Đạo Tin lành, những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho tín đồ giáo dân sinh hoạt theo quy định của pháp luật. Ông Hoàng Minh Tuyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội thường xuyên phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân để tham mưu giải quyết kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, tích cực thi đua thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo… Trong năm 2020, bà con giáo dân và Nhân dân trên địa bàn đã hiến gần 8.500 m² đất, hơn 15.000 ngày công lao động, qua đó, làm mới được 25,2 km đường bê tông, nhiều nhà văn hóa và các công trình công cộng khác…

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo chính gồm: Đạo Phật, Công giáo và Đạo Tin lành với hàng nghìn tín đồ, phật tử tham gia sinh hoạt. Ông Hứa Văn Đại, Trưởng Ban Phong trào, Dân tộc, Tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hằng năm, thực hiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều xây dựng văn bản hướng dẫn nội dung về công tác tôn giáo tới MTTQ các cấp trên địa bàn. Trong đó, tập trung vận động các chức sắc, bà con giáo dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo, từ thiện do tỉnh phát động. Mặt khác, MTTQ các cấp đều chủ trì thành lập đoàn hoặc tham gia cùng đoàn công tác các cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà các tổ chức tôn giáo. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo, đồng bào giáo dân thực hiện tốt các quy định hiện hành.

Kết quả, trong năm 2020, bà con giáo dân nói riêng và Nhân dân trên địa bàn nói chung đã tự nguyện hiến trên 75.600 m2 đất, đóng góp gần 78.000 ngày công, trị giá trên 12 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Về công tác giữ gìn an ninh trật tự, Nhân dân cung cấp 264 tin liên quan đến tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp hòa giải thành 322/486 vụ việc mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư…

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hỗ trợ đồng bào nhiều nơi khắc phục khó khăn. Chẳng hạn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ 100 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch  Covid-19 của tỉnh; vận động các phật tử ủng hộ 500 triệu đồng cho các tỉnh miền Trung; Tòa Giám mục Lạng Sơn ủng hộ 50 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh…

Nhờ các giải pháp trên, thời gian qua, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn diễn ra bình thường, không có vụ việc phức tạp xảy ra, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ ổn định tình hình địa bàn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Nhờ vậy, năm 2020, toàn tỉnh có 159.271/195.833  gia đình đạt gia đình văn hóa, chiếm 81,33%, tăng hơn 2,9% so với năm 2019.

Thu Hương