Làng Chăm Châu Phong đang đổi thay

(Mặt trận) -Đồng bào Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), sống tập trung ở 3 ấp Phũm Xoài, Châu Giang và Hòa Long với 4.058 nhân khẩu; 100% theo tôn giáo Islam. Trước đây, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Từ việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã tạo 'sức bật' ở từng xóm Chăm Châu Phong…

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Đến với Châu Phong hôm nay, dễ dàng nhận thấy có nhiều công trình mới đã mọc lên, ấp như khoác lên mình tấm áo mới… Dọc theo các xóm, các tuyến đường đều được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng mới. Theo bà Ma Ri Dâm, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong. Sau hơn 10 năm tích cực triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Châu Phong đã huy động được trên 191 tỷ đồng.

 Sản phẩm truyền thống của làng dệt thổ cẩm Châu Giang

Đến nay, xã Châu Phong đã được công nhận xã Nông thôn mới, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt… Từ khi đường sá thuận tiện, hàng hóa thông thương, đồng bào Chăm bắt đầu mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thương mua bán nhộn nhịp hơn... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ðặc biệt, hộ nghèo giảm xuống còn 2,98% (năm 2011 hộ nghèo chiếm 4,8%), thu nhập của người dân đạt 51,45 triệu đồng/năm (năm 2011 đạt 23 triệu đồng), người dân tham gia BHYT đạt 88,77%, hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định đạt 99,40%, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Đến làng Chăm Phũm Xoài (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong), mới hiểu được đời sống của đồng bào Chăm nơi đây đang ngày một thay da đổi thịt nhờ di cư vào làng Chăm kiểu mẫu. Ông Cả Haji Jac Ky, Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam An Giang nhìn nhận: “Chính việc hình thành cụm tuyến dân cư kiểu mẫu đã giúp đồng bào Chăm ở Châu Phong có cuộc sống tốt hơn, hòa nhập hơn vào đời sống phát triển và nhất là con em được học hành, có công ăn, việc làm ổn định... Sự ra đời của làng Chăm kiểu mẫu ở Phũm Xoài đã giúp đồng bào Chăm loại dần những phong tục, tập quán lạc hậu, tiếp cận y tế tốt hơn, giúp bà con đẩy mạnh giao lưu sản xuất, kinh doanh, mở rộng buôn bán với các vùng miền, phát triển canh tác nông nghiệp...”.

Anh Mohamah Sa Lếh, Trưởng ấp Phũm Xoài cho biết: Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang: Tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri, cơm nị, bánh bò nướng… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt.

“Giờ đây, làng Chăm Phũm Xoài không còn hộ nghèo, 100% số trẻ em được đến trường từ mẫu giáo đến THPT, bậc đại học chỉ riêng Phũm Xoài đã có 44 sinh viên, có người đang học thạc sĩ... tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho cộng đồng người Chăm nơi đây” – anh Mohamah Sa Lếh nói.

Một làng dân cư đồng bào Chăm kiểu mẫu, một nông thôn mới đã và đang hình thành, phát triển ở làng Chăm Phũm Xoài sẽ là một trong những điểm sáng cần nhân rộng.

Phương Nghi