(Mặt trận) -Nhiều năm nay, vùng đất Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, người dân có được nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo.
An cư vùng khó khăn
Chúng tôi đến thăm anh A Dắt Ha Kriêng (23 tuổi, dân tộc K’Ho, ở thôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khi anh đang tất bật trang hoàng phòng khách tươm tất để đón những vị khách đầu tiên đến tân gia. Ha Kriêng được “bắt” về ở rể bên nhà vợ (người K’Ho theo chế độ mẫu hệ) nhưng do hoàn cảnh gia đình đông con lại không có đất đai dư dả nên bố mẹ vợ cho hai vợ chồng ở chung từ nhiều năm nay. Qua rà soát hoàn cảnh, hộ Ha Kriêng thuộc diện khó khăn, chưa có nhà, nên đầu năm 2023, chính quyền huyện Lạc Dương đã làm thủ tục cấp cho hai vợ chồng anh lô đất tái định cư 398,5m2.
|
Người dân thôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) phấn khởi khi sắp được vào ở nhà mới |
“Được Nhà nước cấp cho mảnh đất thổ cư, vợ chồng mình vay mượn một ít, cộng với số vốn tích lũy nên quyết định xây căn nhà cấp 4 có phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh khép kín”, anh A Dắt Ha Kriêng phấn khởi cho biết.
Ngay kế bên nhà Ha Kriêng là gia đình ông Kon Sơ My Sen (44 tuổi) cũng đang giao cho nhóm thợ xây dựng phần thô căn nhà kiên cố ngay sau khi được giao đất. Ông Kon Sơ My Sen nói: “Trước đây không có nhà, phải ở trong rẫy khổ lắm, mỗi khi mưa gió gần như không thể đi đâu được, nhất là con cái đến trường lớp rất vất vả. Nay được Đảng, chính quyền quan tâm cấp cho mảnh đất, chúng tôi yên tâm ở đây, các cháu đi học cũng thuận tiện”…
Tại khu tái định cư nông thôn xã Đạ Nhim, Nhà nước đã giao đất cho hơn 100 hộ dân là người DTTS tại địa phương không có đất ở, chưa được Nhà nước giao đất ở. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 26 hộ được cấp đất với diện tích từ trên 300-400m2/hộ. Ngoài đất ở, một nhà máy xử lý nước sinh hoạt cũng được đầu tư 20 tỷ đồng để cung cấp nước sạch đến tận cổng từng nhà cho cư dân; hệ thống điện sinh hoạt, mương thoát nước, đường bê tông rộng 4-6m cũng được hoàn thiện để người dân thuận lợi đi lại khi về nơi ở mới.
Xuôi xuống phía Nam Tây Nguyên khoảng 260km, chúng tôi đến thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), nơi có 46 hộ dân là anh em đồng bào S’Tiêng, Mạ cùng sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên từ nhiều thế hệ qua. Trước đây, nơi này không điện, không sóng điện thoại, và để đến được đây phải băng qua nhiều đoạn dốc dựng đứng, xe máy muốn đi lên thì phải cuốn dây xích sắt chống trơn trượt. Địa hình không thuận tiện nên con em đồng bào cũng không có điều kiện đến trường. Tuy nhiên, không để trẻ em ở đây phải thất học mãi, điểm trường thuộc Trường Tiểu học Phước Cát 2 đã được nhà nước đầu tư xây dựng với các phòng học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Năm qua, cạnh điểm trường cũng được xây thêm dãy phòng học cho các trẻ mầm non; giáo viên được luân phiên hàng năm từ dưới xuôi lên dạy học.
Thầy Dương Văn Hiền, giáo viên lớp 4, 5 tại điểm trường, nói: “Nhà tôi cách điểm trường 40km, nên sáng thứ hai, tôi đi xe máy chở theo lương thực đủ dùng trong tuần đến trường, rồi thứ sáu về lại dưới nhà. Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng chúng tôi vẫn bám lớp, bám trường, một phần vì trách nhiệm công việc, một phần vì thương những đứa trẻ sẽ bị đứt đoạn trong học tập”. Không những đã có trường, có lớp, có thầy giáo, mà để phá thế “cô lập” giữa rừng núi của đồng bào, một con đường kiên cố dẫn vào thôn 4 dài hơn 20km đang dần được hoàn thiện. Đi kèm với đường là điện lưới, nước sạch, mạng viễn thông 4G cũng đã vươn tới, giúp đời sống tinh thần của người dân được cải thiện.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Trở lại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, toàn xã có 5.654 nhân khẩu, trong đó người đồng bào DTTS chiếm 79%. Ngoài chương trình hỗ trợ đất ở giúp người dân ổn định cuộc sống, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khác như: xây dựng trường học, trạm y tế xã mới được trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại như siêu âm, máy xét nghiệm huyết học, máy đo điện tim, máy thở khí dung, máy xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét…, tương đương trung tâm y tế cấp huyện; cùng với đó là sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.
Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất trù phú với các loại rau, hoa, cà phê của người dân, ông Trịnh Xuân Tự, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Nhim, cho biết: “Những năm qua, địa phương đã bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho 127 hộ dân (diện tích từ 4.100-5.500m2/hộ) là đồng bào DTTS thiếu đất. Chính sách hỗ trợ đã giúp người dân có cơ hội cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, trong 3 năm qua, bằng nguồn từ MTTQ Việt Nam huyện Lạc Dương và xã hội hóa, xã Đạ Nhim đã xây mới, sửa chữa 13 căn nhà giúp người dân có chỗ ở tốt hơn”.
Bằng những chính sách, kế hoạch thiết thực, hiệu quả, bộ mặt vùng đất Nam Tây Nguyên đang đổi thay từng ngày. Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, giai đoạn 2010-2015, tổng số vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn là 693,4 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống kinh tế - xã hội, an sinh vùng đồng bào DTTS có nhiều thay đổi tích cực. Đến giai đoạn 2015-2020, Nhà nước tiếp tục đầu tư 948,9 tỷ đồng, tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn với 1.237 công trình lớn - nhỏ được xây mới, sửa chữa; trên 31.000 lượt hộ gia đình được thụ hưởng; xóa 15.000 căn nhà tạm; cấp đất sản xuất cho trên 4.100 hộ gia đình…
Không chỉ cấp đất, xây dựng nhà cửa, hạ tầng giao thông, thủy lợi, cung cấp cây giống, hỗ trợ vay vốn… để phát triển sản xuất, trong hơn 10 năm qua, đã có trên 45.000 lượt học sinh, sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được thụ hưởng tiền từ Chương trình trợ cấp xã hội cho học sinh - sinh viên của tỉnh Lâm Đồng, với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng. Đây là bước đệm ban đầu để thế hệ trẻ người DTTS vững bước với hành trang tri thức.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Lâm Đồng giảm chỉ còn 1,94%, thấp hơn nhiều so với bình quân các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên là nhờ một phần các chương trình hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào DTTS được triển khai rộng khắp”. Tiếp nối những hiệu quả đã đạt được, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí trên 1.734 tỷ đồng. Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ đất ở cho 94 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 276 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 840 hộ (5.000m2/hộ), hỗ trợ bằng tiền mặt chuyển đổi nghề cho 3.188 hộ. Trong giai đoạn này cũng sẽ có gần 4.000 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt… Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.
Theo thống kê, toàn vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với gần 2,2 triệu người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng. Các dân tộc sống đoàn kết, đan xen nhau, tập trung tại 471 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án; nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của gần 2,2 triệu đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố tăng cường.
V.V