Kiên Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo tới chức sắc tôn giáo, người có uy tín

(Mặt trận) - Từ ngày 4/5 đến ngày 6/5/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Ban Dân tộc tỉnh thành lập tổ công tác tuyên truyền biển, đảo; tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân tại tỉnh Kiên Giang năm 2022.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 

Qua 6 buổi tuyên truyền tại Khu Cảng cá Tắc Cậu, Khu Công nghiệp Thạnh Lộc, Huyện ủy Châu Thành, Huyện ủy Tân Hiệp, Thành ủy Rạch Giá, trường trung cấp nghề Dân tộc Nội trú tỉnh, đoàn công tác đã tuyên truyền đến 970 người là cán bộ, đảng viên, công nhân công nhân trong các doanh nghiệp, ngư dân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên, học sinh là đồng bào dân tộc Khmer các thông tin về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam và vùng biển Tây Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình hình trên các vùng biển nước ta hiện nay. Quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các nội dung cơ bản về luật Biển Việt Nam. Những nội dung về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới đã được nêu tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Các hình thức đào tạo nhằm thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại... tại các buổi tuyên truyền tổ công tác cũng đã tặng 300 cờ Tổ quốc, 30 áo phao.

Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Đặc biệt, trong hoạt động tuyên truyền biển, đảo lần này, Kiên Giang có đổi mới đối tượng tham dự là công nhân trong các doanh nghiệp, chức sắc và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mọi công dân phải hiểu rõ được vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, phát huy tối đa vai trò của các vị là chức sắc trong các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo.

Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i (xã Mong Thọ, huyện Thành) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự hội nghị tuyên truyền về biển, đảo. Tôi hiểu rõ hơn vai trò của biển, đảo đối với hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam cũng như vai trò của biển, đảo trong phát triển kinh tế đất nước. Tôi sẽ tiếp tục sinh hoạt, hướng dẫn những thông tin về biển, đảo cho tín đồ tôn giáo Baha’i hiễu rõ và chấp hành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với việc bảo vệ biển, đảo, bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.

“Tôi sẽ tiếp tục cùng chính quyền địa phương truyên truyền, vận động trong bà con Khmer nếu có con em là ngư phủ hay chủ tàu tuyệt đối không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định của nhà nước về đánh bắt thủy, hải sản. Vận động bà con Khmer tuyệt đối không nghe theo những luận điệu xuyên tạc về quan hệ đối ngoại của Đảng ta nhất là trong giải quyết các vấn đề trên biển thời gian qua” ông Danh Chương (ấp An Bình, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành) là người có uy tín trong đồng bào Khmer nói.

Hoạt động tuyên truyền biển, đảo còn là dịp để hun đúc lòng yêu nước, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.