Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước

(Mặt trận) - Giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, là bệ đỡ tinh thần giúp tín đồ sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh _Ảnh: TTXVN 

Tôn giáo là bộ phận quan trọng hình thành nền văn hóa. Khi nói đến văn hóa của một dân tộc hay khu vực, không thể không nhắc đến bộ phận cấu thành là tôn giáo. Giá trị văn hóa của tôn giáo thể hiện ở niềm tin, thực hành, các nguyên tắc đạo đức, các giá trị, những di sản hữu hình và vô hình. Quá trình hình thành, phát triển giáo lý, triết lý, các nguyên tắc, giáo luật của các tôn giáo dần ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của tín đồ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội. Giá trị văn hóa của tôn giáo có một sức sống lâu bền và mãnh liệt, thậm chí ngay cả trong các xã hội đã đạt được tính hiện đại cao.

Việt Nam là đất nước đa dạng tôn giáo. Tính đến tháng 12-2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số tín đồ chiếm 27% dân số cả nước, trên 58 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc và trên 29 nghìn cơ sở thờ tự trên cả nước. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sâu sắc luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, việc khơi dậy và phát huy giá trị tốt đẹp của các tôn giáo - thành tố cấu thành văn hóa nhằm tạo nguồn lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết.

Những giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo ở Việt Nam

Tôn giáo du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản mà tôn giáo mang lại phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc, mà biểu hiện rõ nét nhất là các giá trị đạo đức, văn hóa.

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, đa số đồng bào theo tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phật giáo hơn 2.000 năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế “Đạo pháp bất ly thế gian pháp” đã phát huy giá trị văn hóa Phật giáo trong xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Đạo đức, văn hóa Phật giáo đã làm sâu sắc và phong phú thêm các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, như quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ hay về luật nhân quả. Phật giáo đã chỉ ra mọi nỗi khổ đau của con người và bất bình đẳng xã hội chính là tham, sân, si, làm nảy sinh những tà kiến, tranh chấp, làm điều ác; đề cao quy luật nhân quả, nghiệp báo, khuyên bảo tín đồ thực hành “Ngũ giới luật”, “Bát Chánh đạo”, nâng cao trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội, thúc đẩy con người điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân.

Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của Công giáo, Tin lành được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 3 điều nói về Thiên Chúa và bảy điều khuyên răn về đạo đức làm người đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, văn hóa cá nhân cũng như xã hội. Triết lý của Công giáo rất rộng nhưng được quy tụ ở bốn từ với hai cặp phạm trù “Kính Chúa, Yêu người”, đó chính là yêu thương, cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Phật giáo Hòa Hảo với tôn chỉ hành đạo là “học Phật, tu Nhân”, tại gia cư sĩ thực hiện Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại) với đường hướng hành đạo “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc” với trọng tâm hoạt động là phổ truyền giáo lý và thực hành công tác xã hội, từ thiện, bố thí rất phù hợp với truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc Việt Nam. Đạo Cao Đài, cũng như các tôn giáo khác lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu cho nền hòa bình và công bằng xã hội nhằm mục đích phục vụ dân tộc, Tổ quốc, tương đồng với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang hướng tới như lời Chưởng pháp Cao Triều Phát trước đây kêu gọi các tôn giáo đoàn kết cùng Chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”.

Tự bản thân các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Tôn giáo khuyên bảo tín đồ cấm sát sinh là tránh đi việc chết chóc, bạo lực, xung đột, chiến tranh; không trộm cắp, không nói dối là giáo dục tín đồ ngay thẳng trong làm ăn, phát triển kinh tế, không gian tham đến tài sản người khác để hạn chế nguồn gốc của mâu thuẫn xã hội... Khi con người/tín đồ tránh được những điều xấu và tu tập những điều tốt thì không chỉ có được con người tốt, mà cả cộng đồng tốt và xã hội đều tốt. Điều đó góp phần tạo nên sự bền vững trong phát triển hệ giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Tư tưởng của các tôn giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu trong giáo dục tín đồ, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam trong xây dựng văn hóa gia đình, tế bào của xã hội. Đạo hiếu chính là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần khích lệ mọi người quan tâm lẫn nhau, phát huy giá trị nhân bản và lan tỏa yêu thương. Các tôn giáo đề cao giá trị gia đình, cùng với sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội. Giá trị đó của các tôn giáo đã đóng góp vào việc bồi dưỡng giá trị đạo đức văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Những chuẩn mực của tôn giáo góp phần không nhỏ trong việc duy trì nguyên tắc ứng xử của xã hội Việt Nam, rất hữu ích trong việc duy trì đạo đức, văn hóa xã hội.

Bên cạnh hệ thống triết lý sâu sắc, các tôn giáo còn đóng góp vào văn hóa dân tộc bằng những công trình mang những giá trị nhân văn sâu sắc, như kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Phật giáo đã góp phần làm nên các công trình mỹ thuật đặc sắc, như chùa, tháp, tượng Việt Nam. Việc hội nhập phong cách, kiến trúc phương Tây của Công giáo, Hồi giáo đã góp phần giao thoa và hội nhập văn hóa dân tộc. Kinh thánh, kinh phật và các giáo lý tôn giáo là kho tàng văn hóa, lịch sử rất phong phú cần được khai thác, cùng với lịch sử văn hóa dân tộc; sự ra đời và phát triển các tờ báo tôn giáo đã góp phần truyền tải giá trị tôn giáo và giá trị văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa tôn giáo gần gũi, quen thuộc hơn với văn hóa Việt Nam và ngược lại, văn hóa Việt Nam được diễn tả trong các lễ nghi đặc sắc tôn giáo.

Việc thực hành nghi lễ tôn giáo đã góp phần tạo lập và đoàn kết cộng đồng tín đồ. Các nghi lễ, thực hành niềm tin tôn giáo là phương cách mang mọi người đến gần với nhau hơn, ở đó giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, dân tộc được giao lưu, trao truyền thường xuyên hơn. Bởi, tôn giáo nào cũng đều khuyên răn con người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp, hướng đến đạo lý làm người, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết sống vì cộng đồng. Việc thực hành nghi lễ tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Niềm tin tôn giáo tích cực đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần đồng thuận, tiến bộ xã hội.

Các tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trong thực tiễn bằng việc thực hiện tốt các phong trào do các bộ, ngành và các địa phương phát động, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương, như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau,... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao,... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nhiều lớp học tình thương, trường, lớp mầm non do các chức sắc, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo thành lập đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và ngày càng được tín nhiệm trong xã hội. Nhiều phòng khám, chữa bệnh của các tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức, như hỗ trợ vốn sản xuất, mở trường, lớp tình thương, xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội, cấp học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn(1); cứu trợ an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp(2), qua đó, thể hiện tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc của con người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”.

Chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Việt Nam rất đông đảo, là đội ngũ trí thức, có ảnh hưởng và hiểu biết sâu rộng trên các lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội, như giáo dục, văn hóa, y tế và ngoại ngữ... Đây là lực lượng có đóng góp đáng kể trong việc phát triển văn hóa - xã hội, phong trào nông thôn mới, phát triển văn hóa cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong sinh hoạt tôn giáo, chức sắc luôn khuyên bảo tín đồ chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, trách nhiệm trong hoạt động kinh tế - xã hội. Ở đó, niềm tin đạo đức, giới răn, chuẩn mực của tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến chủ thể làm kinh tế, đến mục tiêu, phương thức thực hiện. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế không xa rời đạo đức xã hội, trách nhiệm xã hội chính là đóng góp của tôn giáo trong hình thành văn hóa, xã hội, phát triể#n đất nước.

Tôn giáo luôn quan tâm đến hòa bình, hòa hợp, lên án những bất công, những điều xấu nên giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo luôn góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cộng đồng tôn giáo là những tổ chức có tính tự quản cao, có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần bài trừ một số tập tục lạc hậu, hạn chế thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa được thể hiện thông qua sự tôn trọng quyền con người, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Người tìm những giá trị nhân văn ở các tôn giáo để đoàn kết, cổ vũ, khích lệ đồng bào theo tôn giáo phát huy các giá trị tích cực vào xây dựng đạo đức xã hội. Người đánh giá cao lòng bác ái, đức hy sinh của những vị sáng lập ra các tôn giáo khi hun đúc các giá trị chân, thiện, mỹ của xã hội để trở thành triết lý của tôn giáo. Ở họ đều có ưu điểm chung là mưu cầu hạnh phúc cho xã hội.

Đảng ta đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo và lấy đó làm điểm chung để đoàn kết đồng bào theo tôn giáo khi khẳng định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Đây cũng chính là quan điểm đổi mới nhận thức và công tác tôn giáo trong suốt quá trình đổi mới đất nước, được thể hiện ở các nghị quyết, văn kiện và các văn bản của Đảng, điển hình như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết nêu rõ: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện... trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục khắc phục mê tín dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”(3). Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về công tác tôn giáo” tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan”(4). Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Phát huy các giá trị văn hóa, nhân tố tích cực trong văn hóa, tín ngưỡng”(5). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa tôn giáo khi yêu cầu “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(6).

Như vậy, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng đều khẳng định vai trò của tôn giáo, coi giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thừa nhận, tôn trọng và chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát huy triết lý, giáo lý tốt đẹp trong đời sống xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Những vấn đề đặt ra hiện nay

Một là, quán triệt quan điểm của Đảng về phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo.

Để khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần quán triệt và phổ biến rộng rãi quan điểm của Đảng về tôn giáo, nhất là tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt 4 nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo là: 1- Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 2- Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; 3- Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; 4- Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nhìn nhận vấn đề tôn giáo thích ứng hơn nữa với điều kiện hiện nay. Để tôn giáo tham gia giải quyết vấn đề đạo đức xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, rất cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, coi tôn giáo là một thành tố văn hóa. Chủ trương đã có, cần phải thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý cho tôn giáo phát huy giá trị đó trong đời sống xã hội. Việt Nam đã xác định tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Để phát triển bền vững đất nước, cần chú trọng tới đóng góp của tôn giáo trong lĩnh vực tinh thần, nhằm thu hẹp khoảng cách về văn hóa tinh thần của người dân giữa các vùng, miền. Tôn trọng và phát huy đóng góp của tôn giáo chính là thúc đẩy tôn giáo phát triển giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp trong xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc.

Hai là, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và khẳng định đó là quyền con người. Quyền ấy chỉ có giá trị đích thực khi gắn với đất nước hòa bình và phát triển. Chỉ trong môi trường đó, tổ chức tôn giáo mới có điều kiện để chăm lo quyền lợi cho tín đồ, tín đồ mới được tự do bày tỏ đức tin tôn giáo, tín ngưỡng mà mình tin theo, và giá trị đạo đức, văn hóa mới được thực hiện một cách đầy đủ. Để duy trì, phát triển môi trường đó thì việc chủ động quan tâm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân cần được thực hiện tốt hơn. Đó cũng chính là nền tảng để đồng bào các tôn giáo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp, lan tỏa giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đất nước.

Cùng với việc giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thì việc chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được quan tâm hơn. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng, giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến tôn giáo. Động viên chức sắc, tín đồ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong sinh hoạt tôn giáo và đưa giá trị tốt đẹp trong văn hóa, đạo đức của tôn giáo vào xây dựng, làm phong phú văn hóa dân tộc.

Ba là, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo đóng góp nguồn lực vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa Việt Nam đã và đang chịu những tác động, có xu hướng biến đổi, mai một bản sắc, một bộ phận giảm sút ý thức về việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Sự du nhập và chạy theo các trào lưu văn hóa mới đã, đang và trong tương lai tiếp tục tạo ra nguy cơ làm cho giá trị đạo đức xã hội ngày một pha tạp, xuống cấp. Do đó, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy, các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vận động các tôn giáo tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần chống lại các luồng tư tưởng văn hóa xấu, độc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ chức sắc, tín đồ về chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đạo đức tôn giáo, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021: “phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.

Vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm với xã hội trên tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phát động, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng chính quyền các cấp và nhân dân xây dựng đất nước. Đồng thời, phát huy thế mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, du lịch tâm linh... Đấu tranh với hoạt động kích động gây xung đột văn hóa dân tộc - tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thành quả đổi mới đất nước.

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Đây là một chủ trương nhất quán, lâu dài, trong đó các tổ chức tôn giáo chính là nguồn lực góp phần thực hiện tốt chủ trương này. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương không những triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà cần tạo điều kiện, hướng dẫn và vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động một cách phù hợp theo quy định của pháp luật, theo khả năng, phù hợp với hiến chương, điều lệ của tôn giáo. Kịp thời động viên, khen thưởng những tấm gương điển hình, cách làm sáng tạo của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng, chống các tệ nạn xã hội, góp phần thúc đẩy việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh từ cơ sở.

Có thể nói, giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo rất rộng và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Việc khơi dậy nguồn lực và phát huy các giá trị đó không chỉ giúp đồng bào theo tôn giáo bảo vệ niềm tin, định hướng mục tiêu sống cho nhiều người, mà còn góp phần làm giàu thêm đạo đức, văn hóa dân tộc./.

TS. VŨ CHIẾN THẮNG
Thứ trưởng Bộ Nội vụ

-----------------

(1) Xây dựng 500 phòng khám từ thiện, 800 cơ sở bảo trợ xã hội, 12 cơ sở dạy nghề, 280 trường mầm non, 1.000 nhóm lớp mầm non độc lập do các cá nhân theo tôn giáo thành lập, có khoảng 125.594 trẻ em đến trường (10 trường chiếm 3,7% trên chuẩn quốc gia) - nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ
(2) Duy trì hoạt động của các mô hình, như “Cây ATM gạo”, “Bếp yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”; cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí cho người dân gặp khó khăn, người dân ở khu cách ly, phong tỏa, không phân biệt theo tôn giáo hay không theo tôn giáo với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng; đóng góp, ủng hộ “Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19” với số tiền trên 20 tỷ đồng; trên 3.000 tình nguyện viên của các tôn giáo đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch; ủng hộ bà con là người Việt Nam ở nước ngoài và chư tăng Phật giáo tại Cam-pu-chia 500 triệu đồng, ủng hộ bà con Việt kiều và chư tăng Phật giáo tại Lào 500 triệu đồng; trao tặng 133 máy thở và 50 máy tạo oxy trị giá gần 14 tỷ đồng ủng hộ Chính phủ và nhân dân Ấn Độ; trao tặng 2.000 bộ kít thử COVID-19 cho Chính phủ và nhân dân Nê-pan, trị giá 600 triệu đồng. Ban Caritas -Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có thư ngỏ gửi giáo sỹ, giáo dân Công giáo vận động đóng góp ủng hộ 4.000.000 khẩu trang y tế cho Tòa Giám mục Phnôm-pênh (Cam-pu-chia) - nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 67
(4) Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003, tr. 49
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 128
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171