Huyện vùng cao Đầm Hà nỗ lực bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ môi trường của huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực, từ nhận thức đến hành động của người dân, nhất là đối với bà con vùng DTTS ở các xã vùng cao. Qua đó, các têu chí về môi trường đều đạt, góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa Đầm Hà trở thành huyện NTM.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường

Những năm trước đây, tiêu chí đảm bảo môi trường trong mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM, nhất là ở vùng đồng bào DTTS luôn là tiêu chí “khó” đối với huyện Đầm Hà.

Để giải quyết vấn đề này, những năm qua huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động BVMT. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội đối với mỗi người dân.

 Người dân xã vùng cao Quảng Lâm phát cây, thu gom rác thải bảo vệ môi trường luôn sạch, đẹp.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, huyện Đầm Hà đã tổ chức được gần 10 đợt tuyên truyền hưởng ứng các Ngày lễ môi trường, mở 3 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, cấp phát hàng trăm đĩa tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại địa bàn các xã vùng cao Quảng Lợi, Quảng An, Quảng Lâm. Đồng thời phối hợp với UBMTTQ huyện và các tổ chức chính trị- xã hội tuyên truyền vận động, hướng dẫn các hộ gia đình, nhất là bà con vùng DTTS thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các phong trào “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp”, “Thắp sáng đường quê”.

Ông Lưu Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Đầm Hà cho biết, địa phương thường xuyên phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, huy động nhân dân tham gia thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, luôn duy trì đảm bảo 8 tổ thu gom rác, rác thải được phân loại và xử lý đúng quy định, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

 Cán bộ xã Quảng Lâm thường xuyên nhắc nhở bà con DTTS giữ gìn vệ sinh môi trường.

Thông qua đó, các phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường trở thành hành động và nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và cả hệ thống chính trị - xã hội, qua đó ý thức của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS trong công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rõ nét.

Bà Chíu Nhì Múi, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm khoe, nhờ được cán bộ hướng dẫn tại các lớp tập huấn về việc giữ vệ sinh môi trường trong ăn ở, gia đình không còn vứt rác ra rừng, mà thu gom rác thải đổ đúng nơi quy định, di chuyển chuồng chăn nuôi trâu, bò ra xa khu nhà ở, không còn mùi hôi thối, sức khỏe tốt hơn trước rất nhiều.

Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện Đầm Hà có 70% hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nhà tiêu hợp vệ sinh, 69% hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS có chuồng trại hợp vệ sinh. 

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, Trần Việt Dũng cho biết, địa phương luôn coi trọng yếu tố môi trường trong tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững và hài hòa trong phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với môi trường, sinh thái cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và trình độ phát triển, không tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.

Nhằm hạn chế mức thấp nhất những tác động đến môi trường sinh thái cảnh quan tự nhiên, trước khi triển khai các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nói chung, tại các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS nói riêng, huyện Đầm Hà luôn chú trọng thẩm định, xét duyệt các dự án phát triển kinh tế, nhất là các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực dân tộc thiểu số.

 Đoàn viên thanh niên xã Đầm Hà thường xuyên duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh”  đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đồng thời, yêu cầu các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi triển khai phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiên quyết không cấp phép cho các dự án sản xuất, kinh doanh có công nghệ sản xuất lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân.

Cùng với đó, huyện Đầm Hà còn quan tâm triển khai các dự án phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, nhất là các xã miền núi. Cụ thể, huyện Đầm Hà đã quy hoạch nghĩa trang nhân dân huyện, xây dựng các điểm tập kết trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư 18 xe đẩy rác tại các xã vùng cao Quảng Lâm, Quảng Lợi và Quảng An.

Theo Bí thư, Chủ tịch xã Quảng Lâm, Hoàng Văn Bổng khẳng định, với các điểm tập kết rác thải và xe đẩy rác được trang bị cho xã sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường luôn sạch, đẹp.

Nhờ vậy, các chỉ tiêu môi trường của huyện Đầm Hà đã đạt theo mục tiêu đề ra, cụ thể: Tỷ lệ che phủ rừng hết năm 2020 ước đạt 57,7% , tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 99% và tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom đạt 100%.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Đầm Hà tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn, các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tích cực vận động bà con trồng, bảo vệ rừng nhằm tái tạo rừng đảm bảo cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường bền vững.

P.H