Hưng Hà (Thái Bình): Đổi thay ở các giáo xứ

(Mặt trận) -Phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, những năm qua, bà con giáo dân trên địa bàn huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Nhân dân trong thôn Phú Lạc, xã Minh Tân đóng góp mở rộng nâng cấp tuyến đường liên thôn trong xã.

Chúng tôi về giáo xứ Phú Lạc, xã Minh Tân vào những ngày đầu tháng Chạp. Trên các ngả đường rực rỡ cờ hoa chuẩn bị đón tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ông Hoàng Văn Long, Trưởng thôn Phú Lạc cho biết: Những năm gần đây, bằng sự nhạy bén, năng động, giáo dân giáo xứ Phú Lạc đã đóng góp không nhỏ cho bức tranh kinh tế của xã, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Hệ thống đường giao thông đang dần được mở rộng, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương.

Giáo xứ Phú Lạc hiện có hơn 1.000 giáo dân, chiếm trên 95% dân số trong thôn. Những năm qua, bà con luôn tích cực lao động sản xuất. Bà Trần Thị Ngọc là một trong nhiều giáo dân đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hàng chục con lợn thịt và phát triển thương mại, dịch vụ với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Bà chia sẻ: Chúng tôi luôn ý thức cao trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp canh tác lúa với phát triển gia trại với mong muốn góp phần nhỏ xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Kinh tế phát triển, bà con giáo xứ Phú Lạc có điều kiện góp công, góp của kiến thiết quê hương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điển hình như công trình nhà văn hóa thôn hoàn thành tháng 6/2023 có diện tích hơn 180m2 là biểu trưng của tình đoàn kết lương - giáo nơi đây. Toàn bộ kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng do các giáo dân và bà con trong thôn đóng góp, ủng hộ. 

Ông Nguyễn Thế Mẫn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; các chế độ, chính sách, công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm; bà con giáo dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Hiện nay, trên 80% gia đình giáo dân có đời sống kinh tế từ khá trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%.

Đến với giáo xứ Mỹ Đình, xã Văn Cẩm, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đời sống của người dân ngày càng sung túc với những ngôi nhà khang trang, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, thoáng đãng. Một vùng quê bình yên hiện hữu nơi đây. Linh mục Mai Trần Nga cho biết: Hiện nay, giáo xứ Mỹ Đình có 837 nhân danh. Hàng năm có 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bà con giáo dân đóng góp hàng trăm ngày công, tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, tường bao, cổng dậu, công trình phụ để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đó là minh chứng cho sự chung sức đồng lòng của bà con giáo dân cũng như sự đoàn kết lương - giáo khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”, giáo xứ Mỹ Đình tích cực vận động giáo dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; xây dựng xứ, họ đạo không có ma túy, tệ nạn xã hội; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ “Vì người nghèo”...

Trên địa bàn xã Văn Cẩm, nhiều giáo dân còn tích cực phát triển nghề mây tre đan, trồng cây vụ đông, chăn nuôi... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhờ đó đời sống ngày càng được nâng lên, bà con vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sống phúc âm giữa lòng dân tộc. 

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Tân cho biết: Bà con giáo dân ở đây luôn có tinh thần đoàn kết, năng động phát triển kinh tế, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa... Giáo xứ Mỹ Đình đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” 5 năm liền. Hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn tiếp tục phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Huyện Hưng Hà hiện có 35 xứ, họ giáo, trong đó có 9 giáo xứ và 26 giáo họ ở 18 xã, thị trấn với tổng số 2.596 hộ và hơn 9.700 nhân danh. 5 năm qua, toàn huyện có 28 xứ, họ đạo đạt “4 gương mẫu” 5 năm liền. Nhờ sự đoàn kết trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương mà diện mạo các giáo xứ trên địa bàn huyện ngày càng thay đổi mạnh mẽ, đó là thành quả xứng đáng cho sự quyết tâm, đoàn kết của bà con lương - giáo.

Thanh Thủy