Hội thảo Tham vấn Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam”

(Mặt trận) - Ngày 18/4, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến củng cố hoàn thiện hồ sơ Đề án “Xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam", khu vực miền núi phía Bắc.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Các đồng chí lãnh đạo đồng chủ trì Hội thảo. 

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Tham dự hội thảo có đại diện các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai; đại diện nhà khoa học, người có uy tín, già làng, trưởng bản, người đại diện cho dân tộc cần lấy ý kiến về việc sửa đổi tên gọi, cách viết tên dân tộc tại cộng đồng. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Việc xác định thành phần dân tộc ở nước ta có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để thực hiện các quan điểm của Đảng và chính sách dân tộc của nhà nước. Để bổ sung cơ sở thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện hỗ sơ Đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tại Hội thảo này, Ủy ban Dân tộc xin ý kiến của các nhà khoa học, người có uy tín, già làng, trưởng bản, người đại diện cho dân tộc về việc sửa đổi tên gọi, cách viết tên dân tộc tại cộng đồng để cùng nhau trao đổi, bàn bạc và thống nhất cách viết, tên gọi một số dân tộc.

Năm 1979, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu của Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thống nhất với Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ và được Chính phủ ủy nhiệm cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký ban hành “Danh mục các dân tộc Việt Nam”.

Tuy nhiên, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản của nhiều tỉnh, thành phố và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… về vướng mắc liên quan đến tên gọi, cách ghi thành phần dân tộc trong các giấy tờ tùy thân của công dân. Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đang sử dụng tên gọi, thành phần dân tộc trong các văn bản hành chính không thống nhất với các cơ quan trung ương. Cũng như thế trong các giấy khai sinh, thẻ căn cước, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác của người dân thuộc nhiều dân tộc đã khai và ghi tên dân tộc không thống nhất với Danh mục các dân tộc Việt Nam.

Trước bất cập và hạn chế của Danh mục các dân tộc Việt Nam hiện nay được ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam” trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ: Lào Cai là tỉnh có đa thành phần dân tộc sinh sống, việc xác định thành phần dân tộc là rất khó khăn, do có nhiều tiêu chí về xác định thành phần dân tộc. Trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong kê khai hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ cá nhân khác, trong việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước. Xác định thành phần các dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát huy và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số  đối với chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết nhằm xây dựng, hoàn thiện Đề án. Đồng thời đánh giá sâu về một số tác động khi Đề án được thông qua và các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.

Trong đó, nhiều ý kiến được quan tâm như: Việc thay đổi tên gọi các dân tộc cần căn cứ vào nhu cầu và mong muốn của đồng bào, từ đó đưa ra tiêu chí phân định tên gọi. Việc xác định thành phần dân tộc khi được Quốc hội thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý cho tên gọi của các dân tộc, đặc biệt là việc xác định thành phần dân tộc sẽ tạo sự thống nhất trong việc cấp căn cước công dân cho đồng bào.

Việc xác định rõ thành phần dân tộc, tên gọi đúng của từng dân tộc thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết và nâng cao vị thế, trách nhiệm của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ đó sẽ không có vấn đề phức tạp, giúp khắc phục được một số bất cập về tộc danh, giúp giải quyết đúng vấn đề dân tộc ở nước ta, góp phần ổn định chính trị - xã hội, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc .

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, việc xác định thành phần, tên gọi các dân tộc là nội dung và nhiệm vụ quan trọng. Do đó, quá trình xác định cần đảm bảo yêu cầu ổn định chính trị, đoàn kết giữa các dân tộc, đúng pháp luật; đồng thời phải xem xét đến tình hình đặc điểm từng vùng dân tộc thiểu số trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Hạnh khẳng định: Những ý kiến, đề xuất là cơ sở quan trọng giúp ban soạn thảo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án, trong đó tiếp tục tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề thành phần, tên gọi; đồng thời, việc xác định thành phần, tên gọi các dân tộc phải góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với chính sách của Đảng, Nhà nước, thắt chặt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.