Hoàng Su Phì phát huy vai trò người có uy tín

(Mặt trận) -Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp.

Người có uy tín tỉnh Lạng Sơn: Cầu nối gắn kết trong cộng đồng dân cư

Đồng Sơn vươn mình

Đakrông, điểm sáng về xóa nhà tạm, nhà dột nát

 Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín

Là huyện miền núi với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì luôn xác định người có uy tín có sức ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng, là cầu nối quan trọng giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Do đó, huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt công tác bầu chọn, bình xét người có uy tín tiêu biểu; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có uy tín. Hiện nay huyện có 199 người có uy tín là Bí thư Chi bộ; trưởng thôn, bản; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; chức sắc tôn giáo và các thành phần khác. Đây là những người được nhân dân tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp người dân tin tưởng nghe và làm theo.

Đội ngũ người có uy tín đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển KT – XH và xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Trong lĩnh vực giữ gìn an ninh chính trị, người có uy tín đã tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát hiện tố giác tội phạm, tham gia tổ hòa giải ở cơ sở. Vận động nhân dân chấp hành pháp luật, không tham gia truyền đạo trái phép, không nghe kẻ xấu lôi kéo, xúi giục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín còn tích cực phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình khác phát triển kinh tế. Tuyên truyền, vận động con cháu, người thân trong dòng họ, đồng bào trong thôn bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, vai trò của người có uy tín càng được thể hiện rõ. Tích cực vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực từ người dân để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như trường, lớp học, nhà văn hóa; các công trình kênh mương, đập thủy lợi; sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông…

Đội ngũ người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên tuyền, vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Hoàng Xín Phủ, người có uy tín thôn Bản Máy, xã Bản Máy cho biết: Thời gian qua, tôi đã tích cực tham gia cùng cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, vận động các gia đình đưa con em đi học đảm bảo đúng độ tuổi theo quy định; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, các gia đình khi có việc cưới, việc tang đều tổ chức nhanh gọn, không kéo dài và tốn kém như trước. Qua đó đã góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư.

Trưởng phòng Dân tộc huyện, Bùi Thanh Hưởng cho biết: Để phát huy tốt vai trò người có uy tín trong cộng đồng, phòng đã chủ động tham mưu cho huyện thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn. Năm 2021, đã cấp phát 43.145 tờ Báo Hà Giang, 25.870 tờ Báo Dân tộc và Phát triển cho đội ngũ người có uy tín. Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, lễ tết của đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi người có uy tín ốm, đau, gia đình gặp khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị cho người có uy tín các kiến thức về dân tộc, tôn giáo, các chính sách của Đảng, Nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền, vận động, hòa giải ở cơ sở. Qua đó, để người có uy tín phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng trong cộng đồng, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tạo sự đồng thuận, xây dựng bản làng đoàn kết, bình yên, phát triển.

NGUYỄN PHƯƠNG