Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với hơn 44% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cùng với việc quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL), trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Hội Phụ nữ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, hội viên.

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tam Đảo Trần Như Trai cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL được triển khai hiệu quả, Phòng Tư pháp huyện chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, các hội, đoàn thể đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở.

Các nội dung tuyên truyền được chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng theo tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”; tập trung vào các vấn đề thiết thực liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; các quy định pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19; chính sách về công tác dân tộc; các quy định pháp luật về đất đai, đảm bảo an toàn giao thông, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới…

Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phong phú như qua hệ thống truyền thanh cơ sở; pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, phát hành tài liệu pháp luật; tư vấn pháp luật; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể; tổ chức hình thức sân khấu hóa liên quan đến pháp luật hoặc lồng ghép với các chương trình văn hóa-văn nghệ phù hợp với trình độ, nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS…”.

Cùng với đó, các địa phương của huyện luôn quan tâm nâng cao trình độ, năng lực, động viên tinh thần của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người có uy tín nắm vững, vận động đồng bào thực hiện, làm theo.

Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Tam Đảo Trương Văn Dương cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có 48 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn…”.

Huyện Tam Đảo chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở. Tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn được quản lý, khai thác thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS, thực thi quyền con người, quyền công dân, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Từ năm 2017 đến nay, huyện Tam Đảo đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến GDPL và trợ giúp pháp lý cho gần 3.000 người dân trên địa bàn huyện, trong đó có gần 1.000 đồng bào DTTS.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, GDPL linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng đã giúp các tầng lớp nhân dân, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tam Đảo được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về pháp luật và các chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Từ đó, dần hình thành ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL đến đồng bào DTTS; triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, GDPL, đặc biệt là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên; động viên, khích lệ kịp thời các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL đến đồng bào DTTS.

Lê Mơ