Hải Hà: Nỗ lực giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh có 5 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, là: Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Thịnh và Đường Hoa. Trong những năm trở lại đây, tỉnh và huyện luôn quan tâm, đầu tư toàn diện cho các xã này cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xóa dần sự chênh lệch khoảng cách vùng, miền trên địa bàn.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Quảng Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Hải Hà, 98% dân số nơi đây là người dân tộc thiểu số. Xã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bà con phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...

 Nhân dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà dọn dẹp vệ sinh đường thôn, bản đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Nhờ phát triển mạnh về lâm nghiệp, 9 tháng năm 2021, người dân xã Quảng Sơn khai thác khoảng 4.000m3 gỗ rừng trồng, 300 tấn vỏ quế. Với việc đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư thủy lợi, xã đã gieo trồng được 120ha lúa vụ xuân, với năng suất ước đạt 47 tạ/ha, trồng 58ha cây ngô lai, năng suất đạt 47 tạ/ha. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã phát triển ổn định.

Ông Phùng Quay Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn, cho biết: Bản có hơn 80 hộ dân. Theo hướng dẫn của huyện, của xã, những năm gần đây bà con tập trung vào trồng rừng, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Vệ sinh môi trường được đảm bảo. Năm 2020, khoảng 20 hộ dân trong xã được hỗ trợ xi măng để xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đời sống của bà con ngày càng tốt hơn.

 Với sự hỗ trợ của các các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cùng với Quảng Sơn, thời gian qua huyện Hải Hà đã tập trung nhiều biện pháp, lồng ghép nhiều chính sách để hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Trước hết, huyện phân công cụ thể cơ quan, phòng, ban của huyện theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp với các xã triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch, đề án liên quan để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các xã này. Riêng giai đoạn 2017-2020, huyện huy động gần 1.300 tỷ đồng hỗ trợ vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nhận thức của bà con DTTS có chuyển biến rõ nét, thay vì trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, doanh nghiệp như trước đây, nhiều gia đình đã tự đầu tư phát triển sản xuất.

Để tiếp tục động viên, thúc đẩy tinh thần tự lực của bà con, huyện triển khai triệt để các chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS, như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng... Từ năm 2017 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện đã hỗ trợ hơn 1.300 lượt hộ nghèo và cận nghèo về cây, con giống, nông cụ sản xuất.

Mô hình trồng cam sành cho thu nhập cao của gia đình anh Trưởng Đại Thành (bên phải) ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Ảnh: Lê Nam

Đặc biệt, Phòng LĐ-TB&XH huyện thường xuyên liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, KCN trên địa bàn để khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đó tuyên truyền, tư vấn cho người dân các xã vùng DTTS ứng tuyển. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã tư vấn việc làm và học nghề trực tiếp cho khoảng 1.500 lao động tại các xã vùng DTTS, miền núi trên địa bàn; qua đó giải quyết mới việc làm cho hơn 3.000 lao động tại các xã này.

Nhờ đầu tư phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của người dân các xã vùng DTTS trên địa bàn huyện được nâng cao so với trước đây. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở các xã vùng DTTS trên địa bàn huyện đạt gần 43triệu đồng/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2016. Số hộ nghèo từ năm 2017 đến nay giảm khoảng 800 hộ. Giai đoạn 2017-2020, hơn 90 công trình giao thông, hơn 45 công trình thủy lợi, 2 công trình nước sinh hoạt, 8 công trình trường học với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng được đầu tư tại các xã này.

Đến nay, đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã trên địa bàn đều được nhựa hóa; 88% đường trục thôn, bản và 75% đường ngõ, xóm được cứng hóa, tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao lưu, mua bán hàng hóa. Trường học ở các xã vùng DTTS đều đạt chuẩn. Người dân ở các xã này đều được sử dụng điện lưới quốc gia, được khám, chữa bệnh tại các trạm y tế đạt chuẩn...

Hiện Hải Hà đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kế hoạch 183/KH-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh năm 2021... Từ đó thúc đẩy phát triển bền vững KT-XH, tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Thu Nguyệt